Trẻ nhỏ là nhóm thường diễn biến nhẹ khi nhiễm nCoV. Tuy nhiên, khả năng chia sẻ về tình trạng sức khỏe của các bé còn hạn chế nên cần được chú ý.

Sau Tết Nguyên đán, số lượng ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang liên tiếp có mức tăng kỷ lục với hơn 20.000 trường hợp mỗi ngày. Lúc này, trẻ nhỏ là nhóm ít tiếp xúc, đi lại cũng có nguy cơ nhiễm nCoV, đặc biệt trong thời gian tới, khi các bé sẽ được đi học trực tiếp trở lại.

Để chuẩn bị cho những tình huống không may xảy ra, bác sĩ nhi khoa Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé của nhóm chăm sóc F0 tại nhà, hướng dẫn các phụ huynh từng bước cần làm khi con mắc Covid-19 cũng như cách chăm sóc, xử lý phù phù hợp.

Các bước cần làm

Bước 1: Báo ngay cho y tế địa phương

Theo bác sĩ Cường, phụ huynh nên chụp lại kết quả test nhanh hoặc xét nghiệm rRT-PCR của con để lưu lại thời gian, qua đó xác định ngày khởi phát bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cố gắng xác định nguồn lây của bé, F1 nhằm cách ly và có hướng giải quyết phù hợp.

Việc cần làm tiếp theo là đo chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) và tần số thở của con. Cụ thể, phụ huynh có thể nhìn khi trẻ nằm yên lặng, không quấy khóc. Cha hoặc mẹ ôm con vào lòng, vén áo trẻ lên quá phần ngực, quan sát vị trí bụng và ngực rồi bắt đầu đếm trong một phút. Mỗi lần hít và thở là một nhịp. Việc này được lặp lại 3 lần để xác định tần số thở.

Cha mẹ cũng cần đo nhiệt độ ở hõm nách của trẻ trong 5 phút. Ngoài ra, phụ huynh nên quan sát để phát hiện triệu chứng từ việc ăn uống, bú, đi ngoài, tỉnh táo, ngủ tốt, chơi ngoan hay không.

Bước 2: Kết nối với bác sĩ hỗ trợ

Bác sĩ Cường khẳng định: “Việc phụ huynh kết nối với bác sĩ khi con trở thành F0 nhằm mục đích tư vấn. Trẻ thường diễn biến rất nhanh nên cần theo dõi, đánh giá cũng như quan sát kịp thời. Triệu chứng của Covid-19 còn thường chồng lấp các bệnh thông thường”.

1 Cha Me Nen Lam Gi Khi Con Mac Covid 19

Phụ huynh cùng 2 con gái điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Vương.

Vị chuyên gia cũng cho hay do các bé dưới một tuổi không nói được nên rất nhiều triệu chứng có thể không phát hiện kịp thời. Do đó, cha mẹ nên tìm và giữ liên lạc với bác sĩ để nhận hỗ trợ nhanh, hợp lý nhất.

Bước 3: Chuẩn bị cho con

Trong trường hợp trẻ được điều trị tại nhà, cha mẹ nên mua sẵn thuốc hạ sốt dạng bột, siro ho hoặc viên tùy độ tuổi. Oresol vị hoa quả rất dễ uống và cần được sử dụng theo hướng dẫn. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể bổ sung cho bé các loại thảo dược như tía tô, hành, gừng tươi, sả.

Nếu phải nhập viện, bố mẹ cần chuẩn bị quần áo, đồ dùng vệ sinh cho bé trong vòng 10-14 ngày. Các nhóm thuốc điều trị triệu chứng, khẩu trang, nước sát khuẩn tay, bảo hiểm y tế, giấy giới thiệu từ CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) địa phương hoặc trạm y tế cũng nằm trong danh sách cần mang theo.

Bước 4: Xác định tinh thần

Bác sĩ Cường khuyến cáo: “Gia đình cần luôn giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh và tỉnh táo. Bản thân cha mẹ cũng cần xác định việc điều trị Covid-19 cho trẻ có thể sẽ kéo dài”.

Theo ông, nếu trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng của bệnh, bé có thể được test nhanh hoặc xét nghiệm rRT-PCR ở ngày thứ 9. Ngược lại, các bé có triệu chứng sẽ được test nhanh hoặc xét nghiệm rRT-PCR vào ngày thứ 13 sau khi phát hiện dương tính.

Cách chăm sóc và xử lý

Đối với trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, các bé có thể được điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế và cơ sở y tế địa phương. Những trẻ này thường chơi tốt, ăn ngon, không có biểu hiện khó thở như nhịp thở nhanh, gắng sức, thở rên, co rút cơ hô hấp. Chỉ số SpO2 của trẻ lúc này thường trên 96% khi thở khí trời.

Dù diễn biến nhẹ, trẻ vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng điển hình của Covid-19 như sốt, ho,...

Trong trường hợp trẻ dưới 12 tháng sốt trên 38,5 độ C (38 độ C với trẻ có tiền sử co giật), bác sĩ Cường cho biết phụ huynh có thể dùng viên đạn đặt hậu môn Efferalgan 80-150 mg.

Với trẻ trên một tuổi, bé có thể dùng dạng bột, siro như hapacol 150-250 mg. Cha mẹ cho con dùng liều 10-15 mg/kg cân nặng cơ thể.

“Nếu sau 2 giờ không hạ sốt, cha mẹ có thể cho con dùng ibuprofen dạng siro (liều 8-10 mg) xen kẽ với hapacol. Ngoài ra, cần kết hợp chườm ấm trán, nách, bẹn và nới lỏng quần áo cho bé, giữ nhiệt độ phòng mát nhưng không quá lạnh”, bác sĩ Cường hướng dẫn.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc để trẻ sốt cao nhưng không hạ nhiệt độ sẽ gây co giật và để lại di chứng. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không nên cho con dùng quá liều các loại thuốc trên do có nguy cơ trẻ ngộ độc, tổn thương gan.

Về triệu chứng ho, bác sĩ Cường cho biết cha mẹ chỉ nên cho dùng thuốc khi bé ho nhiều ảnh hưởng tới ăn uống, ngủ, chơi, học tập hoặc ho khan. Ông khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho.

“Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con bú nhiều bữa hơn. Trẻ lớn có thể bổ sung nước hoa quả để tăng vitamin, khoáng chất, qua đó nâng cao sức đề kháng”, bác sĩ Cường nói thêm.

Ngoài ra, phụ huynh có thể dùng máy phun sương, tăng độ ẩm không khí. Với trẻ lớn, cha mẹ nên hướng dẫn con súc miệng bằng nước muối loãng, ấm với tần suất khoảng 5-6 lần/ngày.

Khi bé ngạt mũi, một số loại thuốc có thể sử dụng khi được chỉ định là Methophan dạng siro, AT deslotaradin, Halixol, U-thel syrupt, xịt olyfrin, xitrat, nhỏ otriven với bé dưới một tuổi hoặc ottrivin cho bé trên một tuổi.

Nước muối sinh lý ấm cũng được khuyến cáo để nhỏ hoặc dùng chai xịt chứa nước biển sâu để rửa mũi khoảng 5-6 lần/ngày.

Bác sĩ Cường lưu ý: “Khi bé có biểu hiện sốt cao kèm nhịp thở nhanh (hơn 60 lần/phút với trẻ trên 2 tháng tuổi, hơn 50 lần/phút với trẻ 2-11 tháng, hơn 40 lần/phút với trẻ 1-5 tuổi, hơn 30 lần/phút với trẻ trên 5 tuổi), thở gắng sức, thở rên, co rút gian sườn, môi tím, đầu ngón tay, ngón chân lạnh, đầu gật gù theo nhịp thở, nghi ngờ viêm phổi và cần cho bé uống kháng sinh do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn”.

Thuốc long đờm cũng có thể được sử dụng khi trẻ ho có đờm hoặc đờm quá đặc không thể khạc ra. Tuy nhiên, phụ huynh cần tránh cho con dùng thuốc long đờm cùng lúc với thuốc ho, phải có chỉ định của bác sĩ và không lạm dụng kháng sinh để trị ho.

Ngoài uống bổ sung nước, khi bé sốt cao, nôn, đi ngoài nhiều (hơn 3 lần/ngày, phân lỏng), cha mẹ cũng nên bù oresol cho con bằng đường uống. Cụ thể, với trẻ dưới một tuổi, phụ huynh nên cho bé uống 5-10 ml (khoảng một thìa hoặc bơm tiêm không kim) oresol mỗi 5 phút. Với trẻ trên một tuổi, lượng là 5-15 ml, lưu ý không pha vào sữa mẹ.

Trong trường hợp bé đi ngoài nhiều, cha mẹ cần chụp ảnh gửi cho bác sĩ, bù oresol, bổ sung kẽm, vitamin C, men vi sinh virvic, enterogremi,... Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cho bé dùng kháng sinh chứa sulfamethoxazol đủ 5-7 ngày và theo chỉ định của bác sĩ.

Việc bổ sung vitamin, chất khoáng cho trẻ cũng cần được chú ý trong giai đoạn này. Theo bác sĩ Cường, với trẻ lớn, các loại nước ép táo, cam, cà rốt, dưa hấu sẽ giúp ích rất nhiều. Trong khi đó, các bé đang bú mẹ phải tiếp tục bú và đảm bảo mẹ không bị lây chéo bằng việc đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, sát khuẩn tay.

Trong trường hợp bé nôn nhiều, mẹ cần tránh cho con bú nhiều một lần. Thay vào đó là chia nhỏ bữa, không để trẻ nằm ngay sau bú, kê cao đầu và cho bú đúng tư thế.

Khi trẻ nôn, cha mẹ cần nhanh chóng nghiêng đầu con sang một bên nhằm tránh sặc chất nôn, sau đó làm sạch miệng, họng và mũi bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay, thấm vệ sinh.

Phụ huynh cũng có thể vỗ nhẹ 2 bên lưng nhằm trấn an con, giúp trẻ ho bật chất nôn còn lại trong họng ra ngoài. Tuyệt đối không bế xốc trẻ lên khi đang nôn. Việc làm này sẽ tăng nguy cơ trào dịch vào phổi.

“Nếu trẻ nôn trớ khi ngủ, cha mẹ cần đặt trẻ nằm yên, kê cao đầu, luôn để thân trên của bé cao hơn phía dưới, tránh hiện tượng trào ngược dạ dày. Khi bé ngừng nôn, cho trẻ uống một lượng nhỏ nước ấm hoặc điện giải sau mỗi 30 phút hoặc một giờ”, bác sĩ Cường hướng dẫn.

Nếu trẻ tiếp tục nôn, cha mẹ cũng cần cho con uống luân phiên 50 ml nước đường sau mỗi 30 phút để ổn định dạ dày.

Với trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh có thể pha nước gừng ấm cho con uống ngụm nhỏ. Nếu bé có biểu hiện tím tái, khó thở, cha mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ chuyên khoa nhi để hỏi ý kiến.

Trong khi đó, đối với các trường hợp trẻ mắc Covid-19 ở mức độ trung bình (SpO2 94-96%) và nặng (SpO2 90-94%, bỏ ăn, chơi kém, khó thở, môi tím, co rút cơ liên sườn), bác sĩ Cường khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát các chỉ số và liên hệ với nhân viên y tế để có hướng giải quyết hoặc nhập viện nếu cần.

Theo Zing




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC