Trong khi các nước chạy đua tiêm mũi 3, thậm chí mũi 4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) lại bày tỏ sự hoài nghi với các mũi tăng cường và đưa ra những cảnh báo đáng chú ý.

1 Chien Luoc Ben Vung Truoc Covid 19 Tiem Nhac Lai Hay Lam Vac Xin Moi

Nhân viên y tế ở Mexico chuẩn bị các mũi tiêm vắc xin AstraZeneca vào ngày 11-1 - Ảnh: Reuters

"Dù các mũi nhắc lại có thể là một phần của kế hoạch dự phòng, nhưng việc chích ngừa lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn không phải là chiến lược lâu dài và bền vững" - giám đốc chiến lược vắc xin của EMA, ông Marco Cavaleri, nói trong cuộc họp báo ngày 11-1. Các chuyên gia của WHO cùng ngày cũng cho rằng đã tới lúc nên điều chỉnh vắc xin theo hướng vừa ngăn lây nhiễm vừa có tác dụng lâu dài để không cần liên tục tiêm nhắc lại.

Không nên tiêm nhắc nhiều lần

EMA cho rằng các quốc gia nên kéo giãn thời gian giữa các mũi nhắc lại và cố định thời gian tiêm vào đầu mùa lạnh ở mỗi bán cầu như cách đang làm với cúm mùa.

"Các mũi nhắc lại có thể được thực hiện một lần hoặc hai lần. Chúng ta không nên cho rằng có thể lặp đi lặp lại việc này nhiều lần được" - ông Cavaleri nói. "Chúng ta cần suy nghĩ về cách có thể chuyển đổi từ tình thế hiện tại sang viễn cảnh COVID-19 là một bệnh đặc hữu" - ông nói tiếp.

Lời khuyên được đưa ra trong lúc một số quốc gia xem xét khả năng tiêm mũi 4 để tăng thêm bảo vệ trước Omicron. Vào đầu tháng 1, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên tiêm mũi 4 cho những người trên 60 tuổi. Tại Vương quốc Anh, nơi đang là điểm nóng về Omicron, giới chức và chuyên gia y tế cho rằng độ bảo vệ của mũi 3 vẫn còn tốt nên chưa cần mũi 4. Tuy nhiên cũng như nhiều nước, Anh để ngỏ khả năng sẽ tiêm mũi 4 "khi tình hình thay đổi".

Chiến dịch tiêm nhắc lại từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi. Những người phản đối cho rằng nó tạo ra bất công về vắc xin, bởi trong khi các nước giàu tích trữ vắc xin để tiêm mũi 3, nhiều nước nghèo vẫn chưa phủ hết các mũi cơ bản cho toàn dân. Điều này khiến COVID-19 càng kéo dài và tạo điều kiện cho virus tiến hóa, đột biến. Một số đặt câu hỏi liệu vấn đề của tiêm nhắc lại là do vắc xin hay do virus. Rõ ràng với loại vắc xin được phát triển trong thời gian chưa đầy 2 năm sẽ khó tránh khỏi một số vấn đề chưa thực sự hoàn thiện, do đó cần phải có sự điều chỉnh.

Có cần vắc xin mới?

"Một chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều nhắc lại của chế phẩm vắc xin ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững" - nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO về chế phẩm vắc xin COVID-19 (TAG-Co-VAC) nhấn mạnh ngày 11-1.

Theo họ, việc phát triển một loại vắc xin mới không chỉ ngăn bệnh nặng và tử vong cho người mắc COVID-19 mà còn có thể ngăn ngừa lây nhiễm tốt hơn là "rất cần thiết và nên được phát triển".

Gợi ý của TAG-Co-VAC thật sự lý tưởng, vì trên thực tế ngăn ngừa lây nhiễm chưa bao giờ là mục đích cao nhất của việc phát triển vắc xin nói chung và vắc xin COVID-19 nói riêng. Tuy nhiên, có thể sự xuất hiện của Omicron với khả năng lây lan nhanh là một phần nguyên nhân khiến TAG-Co-VAC đưa ra kêu gọi đó.

Như các chuyên gia và lãnh đạo WHO đã nhiều lần cảnh báo, dù Omicron không gây bệnh nghiêm trọng như Delta, việc biến thể này lây cho nhiều người vẫn có thể khiến hệ thống y tế quá tải và tăng số người tử vong như đợt bùng dịch do Delta.

TAG-Co-VAC cũng gợi ý các nhà phát triển vắc xin nên cố gắng làm được các mũi tiêm hay vắc xin "tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài để giảm số mũi nhắc lại trong thời gian ngắn". Nhóm cố vấn không giải thích thêm cho gợi ý, nhưng việc tạo ra vắc xin có hiệu quả lâu dài sẽ làm giảm nhu cầu tích trữ vắc xin cho mũi nhắc lại. Điều này phù hợp với mục đích lớn mà WHO hướng tới là có thêm nhiều người ở các nước nghèo được tiêm.

Đầu tuần này, giám đốc điều hành Albert Bourla của Pfizer cho biết một loại vắc xin được điều chỉnh để khắc chế Omicron là cần thiết và công ty ông sẵn sàng tung ra loại đó vào tháng 3, bắt đầu phân phối vào tháng 6.

"Điều quan trọng là cần có một cuộc thảo luận kỹ lưỡng quanh việc lựa chọn thành phần của vắc xin để đảm bảo chúng ta có một chiến lược không bị động trước COVID-19 và ngăn chặn được các biến thể mới trong tương lai" - giám đốc chiến lược vắc xin của EMA Cavaleri chốt vấn đề và cho rằng nên có sự phối hợp toàn cầu.

331

Đó là số vắc xin COVID-19 đã và đang được phát triển hoặc thử nghiệm trên thế giới. WHO chỉ mới phê duyệt sử dụng khẩn cấp 8 loại vắc xin trong số này.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC