Dị ứng là một bệnh tự miễn nên chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, chúng ta chỉ có thể cải thiện các triệu chứng đồng thời ngăn chặn bệnh tái phát. Trong đó, sử dụng thảo dược được cho là mang lại hiệu quả tốt.

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ được gọi là “dị nguyên”.

Sự xâm nhập này có thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt), phần nhiều qua đường da do tiếp xúc trực tiếp. Triệu chứng lâm sàng hay gặp là mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp… 

Đông y coi Dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang (phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng này).

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào cơ thể còn do cảm nhiễm ngoại tà hoặc cảm phải thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt, gây ra uất kết ở bì phu, cơ nhục;

Mặt khác, do quá trình hoạt động của lục phủ, ngũ tạng thiếu điều đạt chẳng hạn như can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.

Thuốc Nam chữa bệnh dị ứng

42 1 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Trước khi sử dụng các bài Thuốc Nam chữa dị ứng bằng thảo dược, tốt nhất bạn nên xác định rõ cơ thể dị ứng với yếu tố nào thì cần tránh xa các yếu tố này trước, rồi mới tiến hành điều trị sau.

Việc xác định rõ bạn dị ứng với yếu tố nào rất quan trọng vì sẽ giúp cho tình trạng dị ứng được kiểm soát, từ đó việc điều trị cũng đơn giản hơn.

Ké đầu ngựa

42 2 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Cây còn có tên khác là thương nhĩ tử, xương nhĩ, thương nhĩ. Tên khoa học: xanthium strumarium L., họ Cúc (Asteraceae). Theo YHCT, ké đầu ngựa có vị cay đắng, tính ấm, hơi có độc, đi vào kinh phế. Chủ trị phong hàn đầu thống, tỵ uyên (mũi chảy nước tanh hôi kéo dài), phong thấp đau nhức, lở ngứa ngoài da...

Các bài thuốc dùng ké đầu ngựa: Quả ké đầu ngựa sao tới khi có màu vàng nâu, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, liên tục trong 2 tuần, chữa viêm mũi dị ứng.

Bài thuốc “Thương nhĩ tử tán”: Thương nhĩ tử 12g, tân di 8g, bạch chỉ 6g, bạc hà 6g, tất cả tán thành bột mịn. Sau mỗi bữa ăn uống 6g, chiêu thuốc bằng nước sắc hành trắng và lá chè, có thể dùng làm thuốc thang sắc uống.

Bài thuốc có tác dụng: Thông khiếu mũi, chữa đau đầu.

Dùng chữa viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Ké đầu ngựa 12g, kinh giới 12g, kim ngân 10g, sài hồ 8g, bồ công anh 10g, bạc hà 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng chữa các chứng bệnh ngứa nổi ban, mụn, ngứa ngoài da.

Kim ngân hoa

42 3 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Còn có tên khác: Nhẫn đông, Ngân hoa, Song hoa, Nhị hoa. Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb. Theo y học cổ truyền, kim ngân hoa có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn.

Bài thuốc có Kim ngân hoa: Kim ngân 12g, thổ phục linh 8g, thảo quyết minh (sao) 6g, sinh địa 8g, mạch môn 10g, hoàng đằng 8g, huyền sâm 10g, liên kiều 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chữa chứng mẩn ngứa, dị ứng. Kim ngân hoa 10g, kinh giới 10g, trúc diệp 8g , liên kiều 8g, cam thảo 4g, đậu xị 8g, bạc hà 10g, cát cánh 12g, ngưu bàng tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chữa chứng mụn nhọt, mẩn ngứa.

Sài đất

42 4 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Còn gọi là cây húng trám, cây ngổ núi, cúc giáp. Tên khoa học: Wedelia calendulacea (L.).

Theo y học cổ truyền, sài đất vị ngọt, hơi chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, chữa viêm tấy ngoài da, mụn nhọt, bắp chuối, sưng vú, rôm sảy, chốc đầu, đau mắt, giải độc, cầm ho, mát máu.

Bài thuốc có sài đất: Sài đất vò nát, pha nước tắm cho trẻ, chữa rôm sảy trẻ em. Sài đất 30g, kim ngân hoa, lá 15g, khúc khắc 10g, ké đầu ngựa 12g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chữa mụn, lở, chàm.

Cỏ nhọ nồi

42 5 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Trong Đông y, cỏ nhọ nồi không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết, cầm máu, bổ thận, ích âm, thường dùng chữa trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, sốt cao,.. và cắt những cơn ngứa và dẩy lùi tình trạng nổi mẩn, mề đay,… do dị ứng cực hiệu quả. Để chữa bệnh bạn chỉ cần dùng lá nhọ nồi giã nát, cho nước vào rồi vắt lấy nước uống, phần bã còn lại dùng để xoa, đắp vào chỗ sưng.

Lá bạc hà

42 6 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Công dụng của bạc hà có khả năng thanh nhiệt, giải độc, giúp giảm bớt những triệu chứng mà dị ứng mang đến. Trong lá bạc hà có chứa tinh dầu bạc hà  có khả năng gây tê, chông viêm rất tốt cho da. Bạn chỉ cần rửa sạch lá bạc hà bằng nước muối, vò nát và chà xát vào chỗ mẫn ngứa, tức thì mề đay sẽ lặn.

Ngoài ra, có để cắt cơn ngứa bằng cách tắm bằng nước pha với dầu bạc hà hoặc vò lá bạc hà với nước rồi dùng nước để rửa vùng cơ thể bị ngứa, hoặc nhúng khăn xô vào nước lá bạc hà rồi xoa lên chỗ ngứa.

Lá khế

42 7 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Trong Đông y, lá khế có vị chua ngọt, tính bình tươi hơi mát, chín thì ôn có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu trị phong nhiệt giải độc và hiệu quả cực tốt trong trị mẩn ngứa, mề đay. Để khắc phục cơn ngứa do mề đay bạn chỉ cần lấy một nắm lá khế tươi, bỏ vào chảo rang cho héo. Căn đến khi lá vẫn còn nóng ở nhiệt độ vừa phải (tránh nóng quá gây bỏng), dùng để chà xát lên những vùng da bị ngứa. Lặp lại vài lần cho đến khi khỏi hẳn thì thôi.

Một cách khác nữa cũng rất hiệu quả đối với những cơn ngứa của chứng bệnh mề đay là dùng nước lá khế để tắm hàng ngày.

Rau hẹ

42 8 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Rau hẹ không chỉ là một loại rau thơm dùng để nấu canh ăn rất thơm ngon mà còn được dụng như một vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Trong dân gian thường dùng rau hẹ để chữa dị ứng bẩn mẩn ngứa trên da. Bạn lấy lá hẹ hơ trên lửa nóng rồi xoa lên chỗ mẩn ngứa, mỗi ngày làm 2 – 3 lần.

Bên cạnh đó, các bạn kết hợp dùng rau hẹ rửa sạch, thái nhỏ cho thêm một ít rượu trắng sắc lấy nước uống. Làm như vậy liên tục trong vài ngày sẽ khỏi.

Lá mướp

42 9 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Lá mướp được sử dụng rất phổ biến trong dân gian để trị ngứa do ghẻ nước, nấm kẽ chân tay rất hiệu quả. Dùng lá mướp với muối vò nát rồi chà xát vào vùng bị ngứa hoặc giã nát đắp vào kẽ chân tay sẽ giúp khử trùng và trị ngứa rất tốt. Bạn cũng có thể dùng lá mướp để trị dị ứng, mẩn ngứa bằng cách lấy lá mướp tươi rửa sạch, để ráo nước, giã nhỏ cho vào vải xô vắt lấy nước, bôi lên chỗ da bị dị ứng ngày 2 – 3 lần trong vài ngày sẽ khỏi.

Kinh giới

42 10 Chua Di Ung Hieu Qua Bang Nhung Cay Thuoc Nam Quanh Nha

Không chỉ là loại gia vị phổ biến trong những bữa ăn hàng ngày, kinh giới còn là vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc cắt nhanh những cơn ngứa và phòng ngừa tái phát tình trạng dị ứng, sẩn mề đay. Bạn có thể lấy toàn bộ phần thân của cây kinh giới, phần ngọn mang hoa (kinh giới tuệ) thì càng tốt.

Đem kinh giới sao cho nóng già, gói vào mảnh vải gạc, hoặc mảnh lưới vó gai càng tốt. Sau đó bạn dùng chà xát lên vùng da bị ngứa.

Ngoài ra, bạn có thể lấy lá kinh giới tươi giã nhỏ trộn với rượu trắng (rượu nấu) bôi ngay lên chỗ ngứa. Chỉ sau 5 phút sau khi bôi là hết sẩn ngứa ngay.

Lưu ý khi uống thuốc Nam chữa dị ứng

Thuốc Nam là một trong những loại thuốc lành tính, có thể sử dụng trong thời gian dài với cách sử dụng cũng khá đơn giản. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc Nam, bạn cũng cần lưu ý một số yếu tố để dùng thuốc Nam có hiệu quả tốt nhất, bao gồm: Chú ý dùng đúng thuốc, liều và lượng, tốt nhất nên dùng đúng liệu trình được chỉ định bởi thầy thuốc. Mặc dù tương đối lành tính nhưng việc sử dụng thuốc Nam tùy tiện, kéo dài cũng có thể làm quá tải các hoạt động của gan, thận,…

Trong mỗi liệu trình sử dụng thuốc Nam, tùy theo cơ địa và tình trạng tiến triển bệnh mà các bác sĩ có thể đưa ra những thời gian phù hợp như 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày… Cẩn thận khi kết hợp các thuốc. Trong quá trình điều trị dị ứng da bằng thuốc Nam bạn không nên tự ý kết hợp các thuốc với nhau. Đặc biệt cần cẩn thận khi kết hợp các thuốc Nam và Tây y. Trường hợp khi đang sử dụng nhiều loại thuốc điều trị khác nhau, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh các thuốc tương tác với nhau ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Dùng thuốc đúng thể bệnh: Cùng một chứng bệnh tuy nhiên bệnh nhân có thể có những thể bệnh khác nhau như hàn (lạnh), nhiệt (nóng), hư (suy yếu các cơ quan trong cơ thể), thực (liên quan tới yếu tố ngoại sinh). Do đó nên trao đổi với thầy thuốc để có những điều chỉnh phù hợp với thể bệnh vì các phương thuốc chung đôi khi không phù hợp với thể bệnh của bạn.

Nguyễn Dung

Theo: Y HỌC CỔ TRUYỀN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC