Cơ quan y tế Australia ghi nhận một số ca nhiễm dòng phụ "Con trai của Omicron", được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn phiên bản gốc.

1 Chung Con Trai Cua Omicron Lan Rong Cac Nuoc Cap Tap Theo Doi

Làn sóng Omicron vẫn đang bùng phát tại nhiều quốc gia (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Cơ quan y tế Australia ngày 28/1 thông báo chủng virus Covid-19 "tàng hình", được mệnh danh là "Con trai của Omicron", đã được phát hiện tại một số bang và vùng lãnh thổ. Dòng phụ BA.2 - được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh hơn biến chủng Omicron gốc - đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia.

Trong thông báo về việc "phát hiện sớm" dòng phụ BA.2, một người phát ngôn của Bộ Y tế Liên bang Australia đã xác nhận một số "rất ít" trường hợp nhiễm BA.2 đã được phát hiện trong số các mẫu bệnh được gửi đi xét nghiệm. Người phát ngôn cho biết dòng phụ này sẽ "tiếp tục được giám sát chặt chẽ".

Thông tin về sự xuất hiện của một số ca nhiễm BA.2 được đưa ra trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 tại Australia tăng đột biến, với gần 200 ca tử vong từ ngày 28-29/1. Trong số hơn 3.600 trường hợp tử vong ở Australia kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, hơn 1.000 trường hợp đã được ghi nhận trong tháng qua, riêng trong tuần trước ghi nhận 500 người.

Chỉ huy lực lượng phòng chống Covid-19 của Australia Jeroen Weimar nói với các phóng viên rằng "Con trai của Omicron" không phải là một biến chủng mới, nhưng cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để hiểu chính xác cách thức hoạt động của BA.2

"Họ gọi nó là "Con trai của Omicron", nhưng nó giống anh em (của Omicron) hơn - đó là một dòng phụ có liên quan đến Omicron. Nó đang lan rộng… Chúng tôi không biết liệu nó có phải là một vấn đề đáng lo ngại hay không", nhà dịch tễ học lâm sàng Nancy Baxter tại Đại học Melbourne nói hôm 27/1. Nancy cảnh báo biến thể phụ "có thể kéo dài các làn sóng dịch bệnh", dẫn đến khả năng thoát khỏi đại dịch kéo dài hơn.

Chủng BA.2 vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định là biến chủng đáng lo ngại, nhưng Cơ quan An ninh Y tế của Vương quốc Anh đã coi đây là chủng virus cần được điều tra. Trong khi đó, các nhà chức trách y tế Đan Mạch đã tính toán rằng, chủng virus này có khả năng lây lan cao hơn 1,5 lần so với chủng Omicron ban đầu. Theo Reuters, nó đã trở thành chủng thống trị ở Đan Mạch.

Nhiều biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.

Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Biến chủng này gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.

Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 18/1 cho biết Omicron không phải là biến chủng cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết: "Đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc".

Theo RT

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC