Lo ngại về làn sóng lây nhiễm tiếp theo của dịch Covid-19 sau khi các quốc gia lần lượt mở cửa trở lại, khiến nhu cầu tìm ra một loại vaccine phòng bệnh hiệu quả đang trở nên cấp bách. Hàng tỷ đôla đã được đổ vào các công trình nghiên cứu để phát triển vaccine với những kết quả khả quan.
Tuy nhiên các chuyên gia vaccine hàng đầu thế giới cảnh báo vẫn còn con đường dài phía trước và thế giới không nên quá hi vọng vào “thần dược vaccine” sớm chấm dứt đại dịch.
Ảnh: USA Today
Một loại vaccine thử nghiệm ngừa Covid-19 do trường đại học Oxford (Anh) phát triển đã đạt được cột mốc mới vào cuối tuần qua, với các thử nghiệm vaccine trên người được mở rộng, bao gồm cả người già và trẻ em. Hoạt động thử nghiệm sẽ được thực hiện trên hơn 10 nghìn tình nguyện viên trên khắp nước Anh để xác định mức độ hiệu quả của vaccine. Nếu thành công, vaccine dự kiến có mặt trên thị trường sớm nhất vào tháng 9 tới.
Giáo sư Adrian Hill, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu vaccine trường đại học Oxford cho biết, nếu thành công, vaccine sẽ được sản xuất với mức giá thấp và dễ tiếp cận.
“Đây sẽ là một loại vaccine không quá đắt. Chỉ là vaccine một liều. Vì mong muốn có vaccine giá rẻ và dễ tiếp cận sớm nhất có thể nên chúng tôi đã lựa chọn Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca để hợp tác vì họ có chung tầm nhìn”, ông Hill cho biết,
Đây là một trong số 8 vaccine đã bắt đầu thử nghiệm trong số 118 dự án phát triển vaccine trên toàn thế giới. Được đánh giá là rất tiềm năng, ứng cử viên vaccine này đã nhận được nhiều đơn đặt hàng với 300 triệu liều cho Mỹ và từ 30 triệu đến 100 triệu liều cho nước Anh.
Một loại vaccine ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế. Để thấy được mức độ “khát” vaccine toàn cầu có thể nhìn vào cách thị trường chứng khoán thế giới hồi phục mạnh mẽ mỗi khi đón nhận thông tin khả quan về nghiên cứu vaccine. Một cuộc chạy đua bào chế vaccine đang diễn ra với các bước tiến đạt được trong nghiên cứu tại Australia, Nga, Thái Lan….
Mặc dù vậy, Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) nhận định phải đợi đến mùa thu này mới có thể đánh giá được những hiệu quả đầu tiên của các ứng cử viên vaccine và vẫn còn một con đường dài phía trước để vaccine có mặt trên thị trường. Kể cả vaccine tiềm năng nhất của trường Đại học Oxford cũng chỉ dự đoán có 50% cơ hội thành công.
Ngoài việc tìm ra vaccine hiệu quả, vấn đề đặt ra hiện nay là với chi phí phát triển khổng lồ và nguồn lợi nhuận hứa hẹn trước mắt, vaccine có được sản xuất với mức giá hợp lý và đảm bảo sự tiếp cận công bằng hay không.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Các nhà nghiên cứu đang chạy đua để phát triển vaccine, các phương pháp điều trị và những công nghệ khác. Những hi vọng này giúp chúng ta có thể vượt qua thách thức Covid-19. Tuy nhiên chúng ta sẽ không chấm dứt được đại dịch nếu không đảm bảo sự tiếp cận công bằng. Chúng ta phải tận dụng sức mạnh khoa học để mang lại lợi ích cho mọi người, ở mọi lúc, mọi nơi”.
Các chuyên gia cảnh báo các nước giàu và các hãng dược lớn, vì lợi ích riêng, có thể khiến nhóm người dân yếu thế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, không thể hoặc chậm được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đua tìm kiếm vaccine được coi là "cuộc đua của trách nhiệm”. Đây là kết quả của sự đoàn kết quốc gia, đoàn kết toàn cầu và là chiến thắng của tinh thần nhân loại./.
Nguồn: VOV.VN