Cơn bão Cytokine tổn thương cơ quan trong cơ thể
Cơn bão Cytokine ở bệnh nhân COVID-19 được nhắc tới nhiều đó là ở trường hợp bệnh nhân 91 (phi công người Anh). Đây là ca COVID-19 nặng nhất trong tại Việt Nam trong đợt dịch đầu tiên.
Tại thời điểm đó, bệnh nhân có những phản ứng miễn dịch rất dữ dội dẫn tới tổn thương các cơ quan lành trong cơ thể.
Trong đợt dịch thứ 4 xảy ra tại Việt Nam, cơn bão Cytokine được nhắc tới rất nhiều do gặp đa số ở các trường hợp bệnh nhân trẻ chuyển biến nặng phải nhập viện điều trị.
Trao đổi với bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, trong quá trình điều trị có các bệnh nhân trong đợt dịch thứ 4 bác sĩ nhận thấy cơn bão Cytokine có xu hướng xuất hiện nhiều ở các trường hợp trẻ tuổi. Đặc biệt là các trường hợp trẻ không có bệnh lý nền, hệ miễn dịch trước đó khỏe mạnh.
"Hiện nay, chúng tôi vẫn cũng vẫn chưa thể lý giải được vì sao cơn bão Cytokine lại xuất hiện ở các trường hợp trẻ tuổi. Nhưng đây sẽ là một lưu ý rất quan trọng cho bác sĩ khi theo dõi bệnh nhân mắc COVID-19, giảm được tình trạng nguy kịch cho bệnh nhân", bác sĩ Hùng cho hay.
Theo bác sĩ Hùng, cơn bão Cytokine liên quan tới phản ứng miễn dịch khá ồ ạt của cơ thể khi phản ứng với tác nhân gây bệnh nào đó. Cụ thể, ở đây tác nhân gây bệnh là virus SARS-CoV-2.
Thông thường khi có những tác nhân bệnh cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch để chiến đấu lại tác nhân gây bệnh, đẩy lùi bệnh. Khi đó bệnh nhân sẽ có thể hết bệnh. Nhưng đôi khi phản ứng của cơ thể quá mạnh mẽ, ngoài việc tiêu diệt được tác nhân gây bệnh thì sẽ tấn công vào tế bào lành trong cơ thể.
Lúc này, phản ứng miễn dịch mạnh mẽ trên mức bình thường sẽ gây ra một đáp ứng viêm của toàn bộ cơ thể. Khi đó các cơ quan trong cơ thể như: phổi, gan, thận…
Khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.
Cơn bão Cytokine xuất hiện ở thời điểm nào?
Bác sĩ Hùng cho hay, khi đứng trước một bệnh nhân mắc COVID-19 rất khó có thể biết được khi nào bệnh nhân sẽ gặp phải cơn bão Cytokine. Tuy nhiên, bác sĩ có thể theo dõi bằng các xét nghiệm phản ứng miễn dịch để biết nó sẽ đi về đâu (chiều hướng tốt hay chiều hướng xấu).
"Do vậy, đây là một trong những khó khăn cho các bác sĩ phải có kinh nghiệm để theo dõi những nhóm bệnh nhân này. Để biết được xu hướng miễn dịch đáp ứng viêm của bệnh nhân đang diễn biến theo xu hướng bảo vệ cơ thể hay tàn phá cơ thể.
Khi theo dõi được bệnh nhân như vậy mới có thể can thiệp kịp thời, đón trước cơn bão Cytokine trước khi nó đến. Nếu một người xuất hiện cơn bão Cytokine là khi lượng kháng thể đáp ứng viêm quá mạnh mẽ. Để cứu bệnh nhân phải dùng các thủ thuật đặc biệt, ví dụ như lọc máu để kéo bớt các phản ứng gây viêm ra ngoài không cho nó tác động phá hoại cơ thể.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc ức chế miễn dịch, corticoi theo chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng khuyến cáo đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà việc dùng thuốc để ngăn ngừa cơn bão Cytokine cần phải tuân theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Việc dùng các loại thuốc này không đúng chỉ định sẽ trở thành "con dao" hai lưỡi có hại.
Do phản ứng miễn dịch của cơ thể là phản ứng có lợi (chỉ có hại khi thái quá). Nếu dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch không cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động một cách đúng đắn thì có thể nguy hiểm không khác gì cơn bão Cytokine.
Bác sĩ Hùng cũng cho biết thêm, do cơn bão Cytokine có xu hướng gặp nhiều ở người trẻ khỏe mạnh, miễn dịch tốt cho nên người trẻ không chủ quan khi mắc COVID-19. Cần phải tuân thủ đúng theo các biện pháp 5K/5T của Bộ Y tế và tiêm vắc xin khi tới lượt mình.
Ths.BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết thêm, nhiều người còn chủ quan khi mắc COVID-19 nghĩa rằng sức khỏe tốt, trẻ khỏe không sao. Nhưng thực tế điều trị tại bệnh viện đã xuất hiện các trường hợp bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 rất nặng. Các bệnh nhân trẻ có xu hướng gặp cơn bão Cytokine diễn biến rất nhanh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng lên vào ngày thứ 6.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị