Với vai trò Cố vấn chuyên môn, Phụ trách khoa Phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu, BS.CK1 Đinh Quang Thanh cho biết bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp hậu nhiễm Covid-19 nặng, hầu hết các bệnh nhân này thuộc nhóm nhiễm Covid 19 đã điều trị HFNC, thở máy.

Mắc Covid-19 nhẹ nhưng di chứng lại nặng?

Theo BS. Đinh Quang Thanh – BV Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết sau khi TP.HCM trải qua đợt cao điểm của dịch bệnh, từ đầu tháng 10/2021, ngành y tế thành phố bắt đầu đối mặt với hậu nhiễm Covid-19.

1 Chuyen Gia Chi Ra Mot Loat Can Benh Nguy Hiem Hau Covid 19 Nhieu Nguoi Stress Nang Tham Chi Khong Qua Khoi Vi Mac Phai Cac Di Chung Nay

Mặc dù những ca mắc Covid-19 nhẹ sẽ gặp phải ít di chứng sau khi khỏi bệnh, tuy nhiên có một số người vẫn có thể gặp phải những di chứng nặng,

"Hầu hết các bệnh viện dã chiến sau khi bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2, họ chuyển về đây để điều trị hậu Covid-19. Chúng tôi nhận khoảng hơn 300 bệnh nặng sau khi điều trị HFNC, thở máy không xâm nhập , thở máy xâm nhập… Các bệnh nhân này bị yếu cơ, hạn chế tầm vận động khớp, loét tì đè, với tình trạng lệ thuộc oxy, khó thở, rối loạn tâm thần, rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết, tổn thương thận, bệnh về da, suy dinh dưỡng…, di chứng về hô hấp và tâm thần kinh là thường gặp nhất.

Có những người sau khi mắc Covid-19 có triệu chứng như nhức đầu, rối loạn nhận thức, chụp MRI thì kết quả là nhồi máu não… Tình trạng rối loạn đông máu tạo thành những cục máu đông làm tắc mạch ở phổi (hay còn gọi là nhồi máu phổi ) hoặc có thể gây tổn thương nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, tắt mạch ở chi dưới…", BS. Đinh Quang Thanh nói.

2 Chuyen Gia Chi Ra Mot Loat Can Benh Nguy Hiem Hau Covid 19 Nhieu Nguoi Stress Nang Tham Chi Khong Qua Khoi Vi Mac Phai Cac Di Chung Nay

BS. Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn của bệnh viện

"Có một số bệnh nhân thấy hết Covid-19 về nhà, trong quá trình sinh hoạt tự nhiên lại thấy mệt mệt. Có những trường hợp là do diễn tiến của rối loạn đông máu còn tiếp tục gây thuyên tắt mạch phổi đưa đến tình trạng mệt do thiếu oxy, nếu không phát hiện kịp thời, đưa vào bệnh viện sớm sẽ dẫn đến tử vong.

Cho nên đối với những người có nguy cơ thuyên tắt mạch, cần sử dụng thuốc kháng đông để điều trị lúc nhiễm Covid-19, khi khỏi bệnh rồi có thể duy trì tiếp ít nhất 30 ngày hoặc có thể kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra", BS. Thanh đưa ra lời khuyên.

Cũng theo BS. Thanh, có những di chứng hậu Covid-19 sẽ đi theo bệnh nhân đến suốt cả đời, ví dụ như xơ phổi, một khi đã xơ rồi sẽ không hồi phục được. Di chứng này sẽ khiến bệnh nhân không thể nào vận động gắng sức, từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khi đã khỏi Covid-19 kém đi, không còn như trước kia.

"Tâm lý nhiễm rồi để khỏi bị lại là sai lầm"

Theo BS. Đinh Quang Thanh, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân hậu Covid-19 đến thăm khám tại bệnh viện có dấu hiệu tăng lên. Một phần do khi phát hiện những di chứng bất thường, người dân có ý thức hơn, đến bệnh viện để tầm soát, tránh những sự cố đáng tiếc về mặt sức khỏe.

"Trong virus có nhiều loại, mình chích ngừa đậu mùa, cúm thường nó khác, qua rồi thì thôi nhưng đối với SARS-CoV-2 nó xuất hiện rất mới, thế giới người ta cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đánh giá về Covid-19.

Covid-19 bị rồi có thể bị lại, di chứng của nó nặng nề hơn các virus khác. Cái tâm lý mà để nhiễm rồi để khỏi bị lại là sai lầm, vì trước mắt nhiễm rồi có thể bị lại, nhiều người bị đến 2-3 lần, thậm chí nhiều di chứng nặng", BS. Thanh nói.

Trong quá trình thăm khám, điều trị cho những bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19, có nhiều người stress, trầm cảm nặng…, một số trường hợp nhảy lầu, nhảy sông tự tử cũng đã xảy ra.

Trải qua chuỗi ngày sống trong sợ hãi, cảm giác bị cả người thân "bỏ rơi", chú Võ Phát Tài (68 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) cho biết đến thời điểm hiện tại, việc chú còn sống, còn thở được là một điều kỳ tích.

Theo chú Tài, sau khi nhiễm Covid-19 và điều trị thành công, chú được chuyển vào BV Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp hôm 23/12 với tình trạng thở oxy dòng cao (HFNC).

Sau gần 3 tuần điều trị, sức khỏe của chú đã có sự tiến triển rõ rệt, hiện tại chú chỉ còn thở oxy khoảng 2 lít/ngày.

Đứng cạnh chú Tài, chị Võ Thị Bích Trâm (con gái) cho biết vì tâm lý chủ quan, nghĩ rằng ba sẽ không sao, đến khi nhiễm bệnh mới hoảng loạn vì sức khỏe chú Tài tụt dốc không phanh.

3 Chuyen Gia Chi Ra Mot Loat Can Benh Nguy Hiem Hau Covid 19 Nhieu Nguoi Stress Nang Tham Chi Khong Qua Khoi Vi Mac Phai Cac Di Chung Nay

Nỗi lo lắng của chị Trâm khi tâm lý chú Tài vẫn còn bất an

"Hồi bữa qua bệnh viện dã chiến là ba em bị hôn mê sâu, người nhà chới với, chuẩn bị tâm lý hết rồi khi bác sĩ nói ba em chỉ còn 2% cơ hội để sống thôi. Nhưng gia đình còn nước còn tát, may mà ba em đã vượt qua được.

Vì tâm lý chủ quan, nghĩ ba ở nhà không à, tất cả con cái đều chích vaccine cả rồi nên xác suất nhiễm bệnh ít lắm, có ai ngờ đâu ba lại nặng như vậy, giờ ba đã khỏe nhiều rồi", chị Trâm chia sẻ.

Theo chị Trâm, khi nhiễm bệnh, chú Tài có tâm lý suy sụp, cảm giác bị mọi người bỏ rơi nên rất tủi thân, sau khi được gia đình ở bên động viên, chú đã lách qua khe cửa hẹp để có thể chuẩn bị xuất viện, quay trở về nhà.

Cũng giống như chú Tài, chú Hồ Văn Phong (53 tuổi) vẫn còn rất lo lắng, khó thở, cần sự hỗ trợ thở HFNC dù đã khỏi Covid-19.

"Ban đêm ba cứ suy nghĩ tiêu cực, ba muốn về nhà, ba kêu nằm lâu quá tâm lý bất ổn. Em chỉ biết động viên, nói ba cố lấy tinh thần để vượt qua thôi. Em cũng không nghĩ điều trị hậu Covid-19 nó lại nặng, đáng sợ đến như vậy…", chị Quyên (con gái chú Phong) nghẹn lời.

Theo BS. Đinh Quang Thanh những người lớn tuổi, có bệnh nền, những người trong quá trình mắc Covid-19 điều trị lâu, nặng, phải nằm ICU thì sau khi khỏi Covid-19 sẽ xuất hiện nhiều di chứng nặng nề. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người mắc Covid-19 nhẹ không bị, họ sẽ mắc các di chứng khác.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần phải tuân thủ tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đối với trường hợp đã nhiễm và chữa khỏi Covid-19, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường về mặt cơ thể cần phải nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC