Giới khoa học nhận định rằng, sự xuất hiện của chủng Omicron có nhiều đột biến chưa từng có, dường như là kết quả của tình trạng bất bình đẳng về vaccine Covid-19.

Năm ngoái, các nước giàu nhất thế giới đã tích cực thu mua vaccine để thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tình trạng này dẫn tới các nước thu thập thấp và trung bình lâm vào cảnh không có đủ "vũ khí" để chống lại dịch bệnh.

Theo các nhà khoa học, tình trạng trên có thể được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, ví dụ như Omicron - chủng có nhiều đột biến chưa từng có.

Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, dù hiện chưa rõ nó có nguồn gốc từ đâu và liệu có phải nó được đưa tới Nam Phi từ một nước nào khác trong khu vực hay không. Điều mà các nhà khoa học biết được là SARS-CoV-2 dường như có xu hướng đột biến ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ lây lan cao.

"Omicron có thể đã hình thành ở một quốc gia khác và được phát hiện ở Nam Phi, nước có năng lực giải trình tự gen. Omicron có thể là hậu quả của một đợt bùng dịch ở nơi nào đó thuộc khu vực cận Sahara ở châu Phi, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và thiếu công nghệ giám sát gen", Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nhận định.

1 Chuyen Gia Nhan Dinh Ly Do Bien Chung Sieu Dot Bien Omicron Xuat Hien

Ông Head cho rằng, sự xuất hiện của các biến chủng mới, bao gồm Omicron là, "hậu quả tự nhiên của việc quá chậm trễ tiêm chủng cho toàn thế giới".

"Chúng ta vẫn còn lượng lớn dân số toàn cầu chưa được tiêm chủng, như ở khu vực cận Sahara châu Phi", ông Head nói.

Theo chuyên gia này, những biến chủng gây ra vấn đề trong quá khứ đều xuất phát từ những khu vực có ổ dịch quy mô lớn, không thể kiểm soát như Alpha lần đầu bị phát hiện ở Anh hay Delta lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ.

Omicron hiện đang lây lan ra thế giới và một số quốc gia đã ghi nhận sự xuất hiện của ca bệnh mang chủng này. Các nước đã cấp tập phản ứng trước sự xuất hiện của mầm bệnh bằng các biện pháp hạn chế đi lại với một số nước châu Phi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng ở các nước phát triển và đang phát triển mới là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Bất bình đẳng vaccine

Jeremy Farrar, giám đốc tổ chức từ thiện về nghiên cứu sức khỏe Wellcome Trust, cho biết biến thể mới cho thấy lý do tại sao thế giới cần đảm bảo sự tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine và các công cụ y tế công cộng khác. "Bất bình đẳng sẽ kéo dài đại dịch", ông Farrar nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chỉ có 7,5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, tại các nước thu nhập cao, 63,9% dân số đã tiêm ít nhất một liều.

Ngoài sự chênh lệch trong việc tiếp cận nguồn cung, tâm lý e ngại vaccine cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phủ vaccine bị chậm chạp. Mặc dù vậy, ông Head cho rằng, việc các nước thiếu khả năng tiếp cận với vaccine là vấn đề lớn.

Mục tiêu của WHO đặt ra rằng 40% dân số các nước được tiêm chủng vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm sau dường như khó có thể đạt được với diễn biến hiện tại.

Trong bài viết trên Guardian đăng tải hôm 27/11, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng, sự thất bại của thế giới "trong việc tiêm vaccine cho người ở nước đang phát triển đang quay trở lại ám ảnh chúng ta".

"Với việc thiếu độ phủ vaccine, Covid-19 không chỉ lây lan ở nhóm người chưa được bảo vệ, mà còn đang đột biến, với các biến chủng xuất hiện từ các nước nghèo và giờ đây đe dọa tới những người đã tiêm chủng đầy đủ ở các nước giàu", ông Brown cảnh báo.

Chuyên gia Head đồng ý với nhận định này, nhấn mạnh rằng, dịch bệnh đang quay trở lại tấn công thế giới và nó chỉ được dập tắt khi mọi nơi trên thế giới tiếp cận đầy đủ với vaccine.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC