Sau một thời gian khỏi COVID-19, dù giữa thời tiết nắng nóng, nữ bệnh nhân vẫn thường xuyên cảm thấy ớn lạnh.

Hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai bị mắc căn bệnh này. Ngay cả khi bệnh nhẹ, thậm chí trong thời gian mắc bệnh không có triệu chứng, F0 khỏi bệnh vẫn có thể bị “hậu COVID-19”.

Ths.BS Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết, các triệu chứng của hậu COVID-19 vô cùng đa dạng.

Nhiều người bệnh mặc dù đã được xác định khỏi COVID-19 nhưng vẫn còn các triệu chứng như ho, khó thở, mất ngủ, đau mỏi cơ, đau tức ngực, rối loạn tiêu hóa… gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Trong quá trình tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, Ths.BS Kiều Xuân Thy còn ghi nhận nhiều bệnh nhân có triệu chứng ớn lạnh sau COVID-19.

Đó là một bệnh nhân ngoài 40 tuổi, (ở TP.HCM) lúc nào cũng mặc quần áo dày, quàng khăn kín cổ vì cảm giác quá lạnh, dù thời tiết đang nắng nóng. Chị thường xuyên có cảm giác ớn lạnh, rét run, phải ở trong phòng, không dùng quạt hay máy lạnh và đóng kín cửa để tránh gió.

Thậm chí, điều này khiến chị gặp “sự cố” khi về quê (ở Long An) do thời tiết ở đây mát mẻ hơn tại TPHCM. Đặc biệt, vào buổi chiều tối, nếu người bình thường cảm giác mát mẻ, dễ chịu thì chị luôn thấy rét run người. Vì không chịu nổi, chỉ 1 ngày sau, người này phải quay lại TP.HCM. Sau đó phải nhập viện điều trị.

Ths.BS Kiều Xuân Thy cho biết, những người trẻ cũng có thể gặp triệu chứng này sau khi khỏi Covid-19. Một bệnh nhân khác của chị mới chỉ 20 tuổi cũng thường có những cơn ớn lạnh tương tự.

Theo Ths.BS Thy, đây là triệu chứng rối loạn điều hòa thân nhiệt, nằm trong danh sách các triệu chứng hậu COVID đã được y khoa trên thế giới ghi nhận. Cụ thể, sau khi mắc COVID-19, người bệnh thường xuyên có cảm giác ớn lạnh như tình trạng của bệnh sốt rét. Dù khi đo nhiệt độ, bệnh nhân không bị tăng hoặc hạ nhiệt độ cơ thể nhưng chỉ một làn gió nhẹ, người bình thường cảm thấy mát mẻ nhưng người mắc hội chứng này sẽ cảm thấy rất lạnh, không thể chịu được.

1 Con On Lanh Dot Ngot Di Chung Khong The Xem Thuong Sau Khoi Covid 19

“Tỷ lệ bệnh nhân khỏi COVID-19 gặp triệu chứng này không nhiều. Khoa học chứng minh virus SARS-CoV-2 có khả năng gây ra rối loạn điều tiết nhiệt, tác động đến hệ thống này khiến cơ thể bị rối loạn về cảm giác nhiệt”, Ths.BS Thy nói.

Cũng theo Ths.BS Thy, mức độ của triệu chứng này ở mỗi người là khác nhau. Có người thỉnh thoảng mới gặp cơn ớn lạnh, làm họ “nổi da gà”, sau khi vận động nhẹ nhàng toát mồ hôi mới cảm giác ấm trở lại. Nhưng một số người bị tình trạng lạnh kéo dài, từ vài chục phút đến vài giờ đồng hồ hoặc liên tục trong ngày như trường hợp bệnh nhân trên.

Về câu hỏi liệu triệu chứng này có nguy hiểm với người bệnh, Ths.BS Kiều Xuân Thy cho biết, điều này cần dựa vào mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

Ví dụ, người gặp hội chứng này bị ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống sẽ phải tiếp nhận điều trị. Theo đó, một bệnh nhân lúc nào cũng thấy lạnh chắc chắn sẽ không làm việc, sinh hoạt như bình thường. Khi đi làm ở văn phòng máy lạnh, họ sẽ không làm việc được, phải chuyển sang phòng khác để tránh lạnh. Có người lại phải ở trong nhà đóng kín cửa, tránh gió có thể khiến họ  gặp một số vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, vì phải cách ly xã hội.

Khi gặp cơn ớn lạnh bất ngờ, Ths.BS Kiều Xuân Thy khuyên, đầu tiên người bệnh nên tìm chỗ để từ từ ngồi xuống. Bởi khi thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến người bệnh dễ bị chao đảo, mất thăng bằng có thể sẽ bị té ngã, chấn thương…

Nếu được, người gặp hội chứng này nên mang theo bình nước ấm bên cạnh, có thể là trà gừng, trà chanh ấm và vài viên kẹo ngọt. Nếu thấy người hơi mệt, cảm giác ớn lạnh, chúng ta nên uống trà gừng, ngậm kẹo để triệu chứng này qua nhanh.

Với trường hợp gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, bác sĩ khuyên, bệnh nhân nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được kiểm tra, thăm khám.

Theo VT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC