Trong số nhiều khía cạnh phức tạp của bệnh COVID-19, hội chứng COVID kéo dài là một trong những vấn đề thách thức nhất với giới y khoa cũng như cộng đồng khoa học.

1 Covid Keo Dai Thach Thuc Lon Voi Y Hoc Hien Nay

Hình minh hoạ: Getty Images

Ngày 28-8, tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới The Lancet công bố nghiên cứu có quy mô lớn nhất trước nay về hội chứng này.

Xảy ra với mọi độ tuổi

Thuật ngữ hội chứng COVID kéo dài (tiếng Anh là "long COVID") thường được dùng để mô tả nhiều triệu chứng khác nhau như mệt mỏi liên miên, khó thở, đầu óc lơ mơ, trầm cảm còn tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng sau giai đoạn cấp ở người bệnh COVID-19.

Hiện chưa có cách điều trị hoặc thậm chí hướng dẫn phục hồi nào được chứng minh có hiệu quả với hội chứng COVID kéo dài. Tình trạng này gây ảnh hưởng tới việc khôi phục nhịp sống bình thường cũng như năng lực lao động của hàng triệu người trên thế giới. Kéo theo đó là hậu quả của nó với xã hội, từ gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng cho tới tổn thất về năng suất lao động, kinh tế là rất lớn.

Cụ thể hơn, nghiên cứu dẫn số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Anh công bố ngày 4-7-2021 cho biết khoảng 945.000 người nước này (1,5% dân số) tự báo cáo họ gặp phải hội chứng COVID kéo dài. Trong đó có 34.000 trẻ em trong độ tuổi từ 2-16.

Hội chứng này phổ biến nhất trong nhóm người bệnh COVID-19 độ tuổi 35-69. Phụ nữ, trẻ em gái, người sống tại các khu vực khó khăn nhất, người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc y tế hoặc công tác xã hội, và người khuyết tật, người có những hạn chế vận động là các nhóm dễ bị hội chứng COVID kéo dài hơn.

Nhóm nghiên cứu công bố các kết quả nghiên cứu trong 12 tháng từ một nhóm người bệnh COVID-19 trưởng thành đã nhập viện và được xuất viện.

Sau một năm, những người được cho là đã "khỏi" bệnh vẫn gặp phải các vấn đề về vận động, đau mỏi hay khó chịu, lo lắng và trầm cảm nhiều hơn so với nhóm đối chứng trong nghiên cứu.

Mệt mỏi, đau nhức cơ là triệu chứng phổ biến nhất được ghi nhận ở cả giai đoạn 6 tháng và 12 tháng với những người bị hội chứng COVID kéo dài. Trong khi đó, gần một nửa số bệnh nhân cho biết họ gặp ít nhất một triệu chứng như khó ngủ, tim đập nhanh, đau khớp hoặc đau ngực sau khi đã khỏi bệnh 1 năm.

Cần thừa nhận hội chứng COVID kéo dài

Nghiên cứu cho thấy với nhiều người, việc bình phục hoàn toàn COVID-19 sẽ mất hơn một năm. Đây là thông tin đặt ra nhiều vấn đề quan trọng với hoạt động nghiên cứu và dịch vụ y tế.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những hậu quả mà COVID-19 gây ra với sức khỏe tinh thần con người là thực tế rõ ràng và cần có thêm các nghiên cứu dài hạn, quy mô. Tỉ lệ những người "sống sót" sau khi mắc COVID-19 bị lo lắng hay trầm cảm đã tăng nhẹ trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng. Tỉ lệ này cũng lớn hơn nhiều so với nhóm đối chứng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - đã kêu gọi các nước ưu tiên việc công nhận và chú trọng cho các nghiên cứu về những hậu quả lâu dài của COVID-19, cũng như tập hợp dữ liệu về hội chứng COVID-19 kéo dài. 

Nhóm nghiên cứu trên tạp chí The Lancet kêu gọi cộng đồng y khoa và khoa học các nước chú trọng hợp tác nghiên cứu để tránh lãng phí trong nghiên cứu và mau chóng cải thiện tình trạng sức khỏe cho người bệnh.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC