Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu bổ sung nước cho cơ thể của chúng ta ngày càng tăng cao.
Bạn thường nghe nói “nước là một phần thiết yếu của cuộc sống” và tầm quan trọng của nó với sức khỏe ra sao. Nhưng với một số người uống nhiều nước lại có thể gây phản tác dụng bởi khi họ hấp thu quá nhiều nước sẽ ảnh hưởng tới nồng độ chất điện giải trong cơ thể.
Khi nồng độ natri trong máu quá thấp sẽ dẫn tới chứng hạ natri máu (là một rối loạn nước điện giải hay gặp trong hồi sức cấp cứu.
Nồng độ natri trong máu hạ gây nên tình trạng giảm áp lực thẩm thấu ngoài tế bào, dẫn tới thừa nước trong tế bào do nước di chuyển từ ngoài vào trong tế bào). Và có thể dẫn tới buồn nôn, nôn mửa, động kinh ở một vài trường hợp còn khiến nạn nhân tử vong.
Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống (Ảnh: plus.google.com)
Trong các nguyên tắc dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe, nhiều người tôn sùng việc uống nhiều nước bởi nó có lợi cho việc thúc đẩy sự trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên nguyên tắc này không nên áp dụng cho tất cả mọi người. Một số người uống nhiều nước có thể có tác dụng ngược lại.
Đông y chia thể chất của cơ thể người thành 9 loại: bình hòa, khí hư, dương hư, âm hư, đàm thấp, thấp nhiệt, huyết ứ, khí uất và bẩm sinh. Người có đặc điểm thể chất khác nhau thì có những kiêng kị khác nhau trong chế độ ăn uống. Có ba loại thể chất là khí hư, dương hư, đàm thấp không thích hợp uống nhiều nước, nếu uống nhiều nước sẽ bị các triệu chứng như: lá lách hư ẩm gây đầy hơi, chán ăn, tiêu chảy, trường hợp nghiêm trọng còn bị chóng mặt, nôn mửa, nhạt miệng, chảy nước dãi khóe miệng.
Ba dạng thể chất không thích hợp uống nhiều nước
1.Thể chất Đàm thấp
Người có thể chất đàm thấp hình thể béo mập, béo bụng, không săn chắc và dễ đổ mồ hôi. Thường cảm thấy nặng nề và di chuyển không nhanh nhẹn. Cảm giác sắc mặt vàng nhạt và u tối, hơi sưng mắt, dầu nhờn da mặt nhiều. Người loại thể chất này nhiều mồ hôi, mồ hôi dính, miệng bị nhớp hoặc khi ngủ có thể cảm giác miệng ngọt. Trong đó có đặc điểm dễ nhận thấy ở người thể chất này là thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nặng nề, đặc biệt là cảm giác nặng nề ở cẳng chân, đôi khi thấy tức ngực, dễ khạc ra đàm. Người thể chất này nước tiểu thường bị đục.
Người thể chất đàm thấp dễ mệt mỏi, buồn nôn, ho ra đờm (Ảnh: wellnessdose.com)
Những người thuộc thể chất này hằng ngày nên cố gắng ăn uống thanh đạm. Thực đơn chủ yếu hạn chế ăn các loại thịt mỡ và các loại thực phẩm ngọt, dính, nhiều dầu mỡ. Có thể ăn nhiều các loại thực phẩm như rong biển, bí đao…
Sinh hoạt hằng ngày nên tránh để ẩm ướt, môi trường sống nên khô ráo, nên tham gia nhiều các hoạt động thể dục ngoài trời. Quần áo nên chọn loại thoáng khí thoát mồ hôi, thường xuyên tắm nắng và sưởi nắng.
2. Thể chất Khí hư (hơi thở yếu)
Người có thể chất khí hư nhìn ngoài cảm giác rất mệt mỏi, khó thở, tiếng nói nhỏ nhẹ yếu ớt, dễ đổ mồ hôi, hai bên lưỡi có vết răng. Dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, sau khi mắc bệnh khó chữa lành do sức đề kháng kém. Ngoài ra cũng dễ bị các bệnh nội tạng như bệnh dạ dày… Những người thuộc thể chất này hằng ngày nên ăn các loại thực phẩm ích khí kiệm tỳ, ví dụ như đậu nành, đậu trắng, thịt gà, nấm hương, táo tàu, long nhãn, mật ong… Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tác dụng hao tổn khí huyết như rau muống, cà rốt sống…Nên sinh hoạt điều độ đúng giờ giấc theo mùa và ngủ đủ giấc. Chú ý giữ ấm, tránh lao động nặng và tập các bài thể dục mạnh dẫn tới đổ mồ hôi nhiều và đột quỵ. Không nên làm việc quá sức để tránh tổn thương khí huyết.
Người thể chất khí hư nên tập hít thở nhiều và thường xuyên vận động (Ảnh: usanewstime.com)
3. Thể chất Dương hư (tạng lạnh, sợ lạnh)
Người có thể chất dương hư thường cơ thịt không săn chắc. Lúc nào cũng cảm thấy chân tay lạnh. Có cảm giác sợ lạnh ở vùng thượng vị, vùng lưng và eo, áo lúc nào cũng mặc nhiều hơn người khác, mùa hè không thích ngồi điều hòa, thích yên tĩnh. Cảm thấy khó chịu khi ăn và uống các loại thực phẩm lạnh, dễ bị đi phân lỏng, nước tiểu màu nhạt và tiểu nhiều. Tính cách thường lặng lẽ, hướng nội. Khuynh hướng dễ bị các bệnh như nhiễm lạnh, tiêu chảy, liệt dương…
Người thể chất này nên hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ sinh lạnh như quả lê, dưa hấu, củ mã thầy, nên uống ít trà xanh. Cuộc sống hằng ngày nên chú ý giữ ấm, đặc biệt là vùng lưng và phần đan điền ở bụng dưới. Tránh ở trong phòng điều hòa quá lâu và tránh để toát nhiều mồ hôi. Có thể thực hiện các hoạt động ngoài trời thích hợp khi trời nắng.
Người thể chất dương hư nên uống nước gừng hoặc ăn gừng (Ảnh: zact.id)
Đặc điểm chung của ba loại người thể chất này là: không thích uống nước, khi uống thì thích uống nước nóng. Thông thường thích ăn một thứ gì đó hơi nóng, nhiều người thích ăn gừng hoặc uống nước gừng và cảm thấy cơ thể thoải mái sau khi ăn như vậy.
Giải pháp
Những người thuộc thể chất khí hư, dương hư và đàm thấp nếu cảm thấy khô miệng thì cũng nên uống chút nước, nhưng không nên uống với số lượng nước nhiều một lần, có thể uống từ từ và chia thành nhiều lần.
Trà phổ nhĩ tốt cho người thể chất dương hư (Ảnh: thichuongtra.com)
Tuy nhiên những người có thể chất này có thể cả ngày không cảm thấy khát, nhưng không nên vì thế mà không uống chút nước nào, hãy cân nhắc uống trà thay cho nước. Người thể chất dương hư có thể nhâm nhi trà phổ nhĩ (là loại trà trải qua quá trình lên men sau chế biến, thường là trong quá trình lưu trữ. Quá trình lên men sau chế biến giúp cải thiện hương vị của trà, vị chát dần ngọt hơn, vị gắt dần dịu hơn, trà được biến đổi dần qua thời gian lưu trữ, từ màu xanh, vàng thành đen) hoặc sắc nhân sâm uống thay nước; người thể chất khí hư hãy sử dụng bạch truật hoặc đảng sâm pha trà uống thay nước; người đàm thấp có thể uống nước đậu cô-ve hoặc bo bo thay nước lọc hằng ngày.
Theo Secretchina
Kiên Định
Nguồn: DKN.tv