Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bạn không nên bỏ qua.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một tình trạng có thể ảnh hưởng đến những người uống ít hoặc không uống rượu. Khi lượng mỡ dư thừa tích trữ trong gan sẽ dẫn đến các bệnh lý về gan gây ra tình trạng suy nhược nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể tiến triển và phát triển thành bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), gây xơ gan hoặc suy gan. Do đó, điều quan trọng là phải phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Mệt mỏi mãn tính là một dấu hiệu báo trước của bệnh gan. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Gastroenterology của Canada, mệt mỏi có thể là do sự thay đổi của chất dẫn truyền thần kinh trong não. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra sức khỏe gan.

1 Dung Bo Qua Nhung Dau Hieu Cua Benh Gan Nhiem Mo Khong Do Ruou Nay

Ăn không ngon miệng: Có nhiều lý do khiến bạn không muốn ăn. Tuy nhiên, nếu bạn mất cảm giác thèm ăn trong một khoảng thời gian dài kèm theo cảm giác buồn nôn, đau đầu và nôn mửa đột ngột, thì đó có thể là dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Vì vậy, nếu bạn cũng đang gặp phải trường hợp tương tự, hãy đi thăm khám kịp thời.

Ngứa da: Làn da cũng có thể tiết lộ gan của bạn có khỏe mạnh hay không. Do bệnh gan có thể làm suy giảm các ống mật, nên có khả năng sẽ xuất hiện triệu chứng trên da. Nghiên cứu cho thấy bệnh gan có thể làm tăng nồng độ muối mật, có thể tích tụ dưới da, dẫn đến viêm hoặc ngứa da.

Vàng mắt và da: Tình trạng vàng da hoặc mắt thường là do sự gia tăng mức độ bilirubin trong cơ thể, một sắc tố màu vàng do gan tiết ra.

Trọng lượng cơ thể giảm đột ngột: Giảm cân đột ngột có thể là một dấu hiệu của gan không khỏe mạnh. Đây không chỉ là dấu hiệu của bệnh xơ gan mà còn có thể là bệnh viêm gan C, dẫn đến tình trạng gan bị viêm, gây đau và sưng tấy.

Dễ bầm tím: Tổn thương gan thường có thể dẫn đến bầm tím thường xuyên. Khi gan bị tổn thương sẽ không thể sản xuất đủ lượng protein đông máu, gây chảy máu nhiều hơn bình thường, từ đó dẫn đến bầm tím. Tuy nhiên, có những lý do khác có thể khiến cơ thể dễ bị bầm tím.

Theo Times of India

Nguồn: vov.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC