Từ lâu virus Rota đã gieo rắc nỗi sợ cho trẻ em và các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Nhất là trong khoảng 2 tháng trở lại đây, cũng là thời điểm loại virus này hoạt động mạnh, khiến các ca nhập viện và tử vong ở nhiều nước liên tục tăng cao.

Theo thống kê của UNICEF và WHO, virus Rota gây ra 40% số ca nhập viện do tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu. Mỗi năm có 100 triệu ca tiêu chảy cấp và 350.000 đến 600.000 ca tử vong vì loại virus này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác đây là loại virus gì, lây lan qua đường nào, triệu chứng cũng như tác hại ra sao. Đặc biệt, đâu mới là đối tượng dễ bị loại virus nguy hiểm này tấn công hay các yếu tố nguy cơ cao cần phòng tránh là gì.

Virus Rota là gì?

Virus Rota là một loại virus gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Chúng có dạng hình khối cầu 20 mặt, đường kính trung bình 65 - 70nm, hạt nhân là acid nucleic, xung quanh được bao bọc bởi hai sợi capsid. Trong đó, lớp ngoài cùng tạo nên hình vòng nên có tên gọi là Rota, nghĩa là bánh xe.

Virus Rota thuộc 1 chi của virus RNA kép trong họ Reoviridae. Chúng có tổng cộng 7 loại, được đánh số bằng các chữ cái tiếng Anh A, B, C, D, E, F và G. Trong đó phổ biến và dễ lây nhiễm cho con người nhất là loại A, sau đó đến B và C.

Chúng là 1 trong số các loại virus gây nhiễm trùng thường được gọi là cúm dạ dày, mặc dù không có liên quan đến cúm. Loại virus này lây lan mạnh gây viêm dạ dày và ruột, tiêu chảy cấp trong khoảng từ cuối đông đến đầu xuân. Tuy nhiên, ở các nước nhiệt đới, chúng hoạt động quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.

Đường lây truyền và triệu chứng của virus Rota

Đường lây truyền chính của virus Rota là đường phân - miệng và tay - miệng. Cụ thể, bạn sẽ bị nhiễm virus nếu tiếp xúc với phân của người bệnh hoặc các đồ vật bị nhiễm phân của họ sau đó chạm vào miệng. Cũng có thể lây nhiễm thông qua đường hô hấp hay qua việc ăn thực phẩm, nguồn nước uống bị nhiễm virus.

Đáng sợ là loại virus này sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Nó vẫn có khả năng gây bệnh khi sống trong phân 1 tuần. Do những tính chất này mà virus Rota đã trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.

Diễn biến của virus Rota thường kéo dài 6 - 7 ngày với các triệu chứng phổ biến sau:

- Tiêu chảy kèm theo sốt: trẻ sơ sinh dưới ba tháng sốt trên 38 độ, trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến ba tuổi sốt trên 39 độ.

- Nôn mửa liên tục, không thể ăn hoặc uống.

- Đau bụng dữ dội không thuyên giảm.

- Các biểu hiện mất nước như khô miệng, khát nước, khóc không ra nước mắt…

- Tiểu không hết hoặc không thể đi tiểu trên 4 giờ.

- Tình trạng tinh thần kém hoặc hôn mê.

- Chất nôn hoặc phân màu cà phê, nghi ngờ có máu trong chất nôn hoặc phân.

- Một số trẻ còn ho dai dẳng kết hợp sổ mũi, đau họng.

Đối tượng dễ bị tấn công bởi virus Rota

Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus Rota, tuy nhiên bệnh thường tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng hơn ở trẻ em. Người lớn thường có triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi.

1 Giai Ma Virus Rota Khien Hang Loat Tre Em Tu Vong Vi Tieu Chay Cap Day La Doi Tuong De Bi Tan Cong Va Gap Nguy Hiem Nhat

Theo WHO, gần như tất cả trẻ em có nguy cơ nhiễm virus này, bất kể trẻ sống ở nước phát triển hay đang phát triển, việc thực hành vệ sinh tốt hay chưa tốt. Cụ thể, trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm virus Rota, hay xảy ra nhất là với trẻ từ 6 tháng cho tới 2 tuổi.

Nguyên nhân là do trẻ chưa có sức đề kháng với virus rota. Hơn nữa các bé ở độ tuổi này lại thích khám phá thế giới xung quanh bằng cách ngậm đồ chơi hay thích mút tay. Hầu hết trẻ em đã phát triển khả năng miễn dịch đối với virus rota khi được 3 tuổi nên tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm đi, triệu chứng cũng nhẹ hơn.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý 1 số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy cấp do virus Rota bao gồm:

- Tiếp xúc với nguồn bệnh. Bao gồm tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng, đồ ăn… có nhiễm virus Rota hay bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc tiêu chảy.

- Trẻ bú bình, ăn uống không hợp vệ sinh như đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo…

- Nguồn nước bị nhiễm virus Rota.

- Xử lý không đúng cách với phân và chất thải có chứa virus Rota.

- Trẻ không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc phụ huynh không rửa tay kỹ sau khi cho trẻ đại tiện.

- Người lớn không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến, trước khi cho trẻ ăn.

Dù y học ngày càng tiến bộ nhưng đến hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cho virus Rota. Vì vậy mà điều quan trọng là phòng tránh sớm bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ nói trên. Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo nên uống dự phòng vaccine chống virus Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh nêu trên thì đừng hoảng hốt nhưng cũng không nên tự điều trị tại nhà. Nên đưa trẻ tới bệnh viện thay vì tự cho uống thuốc hoặc truyền dịch tại các nơi không đủ điều kiện vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc bỏ sót triệu chứng nặng dẫn đến tử vong là rất cao.

Theo Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC