Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai.
Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Người dân đặc biệt là người già đang phải đói mặt với các bệnh mạn tính trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng như ung thư, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì…
Nguyên nhân của các bệnh mạn tính rất phức tạp, bao gồm các yếu tố di truyền, lối sống và chế độ ăn. Trong đó, để thay đổi yếu tố di truyền là không thể, nhưng lối sống và chế độ ăn thì có thể.
Với khoa học dinh dưỡng hiện nay, một chế độ ăn thích hợp, rèn luyện thể lực và duy trì cân nặng vừa phải có thể phòng ngừa tới 30 đến 40% các trường hợp ung thư. Chất béo toàn phần và chất béo no trong khẩu phần có liên quan tới sự phát sinh một số ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng. Ước tính các chế độ ăn đủ rau quả và đa dạng có thể phòng đến 20% ung thư.
Chế độ ăn uống của người dân thay đổi nhanh chóng theo thu nhập và lối sống. Cấu trúc khẩu phần từ một chế độ ăn dựa vào ngũ cốc, khoai củ, rau, có ít thức ăn động vật chuyển sang một chế độ ăn có lượng thịt, trứng, sữa, chất béo, đường ngọt, các thức ăn tinh chế tăng lên, đồng thời giảm sử dụng lương thực, khoai củ và thực phẩm có nhiều chất xơ. Tăng lượng thức ăn động vật dẫn tới tăng chất béo, các acid béo bão hòa và cholesterol. Giảm hoạt động thể lực và tăng nếp sống tĩnh tại đi kèm với các thay đổi về chế độ dinh dưỡng (dư thừa) xảy ra ở mọi lớp tuổi.
Mỗi người enne ăn ít nhất 400 gam rau quả mỗi ngày. Ảnh: Webmd.
Khoa học dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong phòng và điều trị bệnh. Ăn uống đúng đủ theo nhu cầu cơ thể và chế độ ăn trong điều trị, có thể phòng tránh bệnh ung thư, các bệnh mạn tính không lây, tăng hiệu quả công tác điều trị,…
Rau, quả là nhóm giàu vitamin và khoáng chất giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Chúng có các chất chống oxy hóa, chống não hóa, có nhiều vitamin quý (vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, folat,…) có giá trị lớn trong việc bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và miễn dịch trong cơ thể, phòng tránh bệnh ung thư. Tăng sức đề kháng và miễn dịch cơ thể là một phương pháp mới điều trị ung thư hiện nay. Chất chống oxy hóa giúp loại trừ các gốc tự do trước khi nó có thể làm tổn thương đến các tế bào, có tác dụng chống và ngăn ngừa ung thư.
Ăn ít rau, quả được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau, quả là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Người trưởng thành mỗi ngày nên ăn tối thiểu 2-3 lưng bát con rau và 2-3 phần quả, mỗi phần rau và quả là 80g.
Với chế độ ăn uống nhiều chủng loại, nhiều màu sắc (rau xanh và hoa quả nhiều màu sắc), thì khả năng chống ung thư càng cao. Các chuyên gia ung thư cho rằng, ăn nhiều trái cây rau quả giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, các bệnh tim mạch, chống béo phì.
Ngoài tăng cường ăn rau quả, mọi người cần hạn chế chất béo, đồ ngọt, giảm ăn mặn và tăng cường tăng cường hoạt động thể lực mỗi ngày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến