"Tôi nghĩ chúng ta sẽ cần đến liều thứ 4. Tôi đã nói điều đó nhiều lần", ông Bourla nhấn mạnh với kênh truyền hình tài chính CNBC.
Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở Mỹ vào tuần trước và được phát hiện tại ít nhất 20 bang.
"Chúng tôi sẽ xem xét dữ liệu cụ thể trong thực tế để xác định xem liều thứ 3 có chống lại biến thể Omicron tốt hay không và trong bao lâu", ông Bourla cho biết.
Giám đốc điều hành Bourla giải thích thêm: "Trước đây tôi dự kiến khi mọi người tiêm xong mũi thứ 3, phải tới 12 tháng sau mới đến mũi thứ 4. Nhưng mốc thời gian đó có thể cần rút ngắn hơn. Vì chúng tôi có rất ít thông tin về biến thể Omicron, nên đành chờ xem diễn biến thực tế".
Ngày 8-12, giám đốc Pfizer cho biết vắc xin ngừa COVID-19 hai mũi tiêm và mũi nhắc lại có vẻ có hiệu quả chống biến thể Omicron. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 2 liều sẽ ít hiệu quả hơn.
Một số chuyên gia đã nghi ngờ về sự cần thiết của việc tiêm bổ sung vắc xin và lưu ý các công ty như Pfizer có lợi ích tài chính trong việc bán nhiều mũi tiêm vắc xin hơn.
Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng 2 mũi tiêm vẫn có tác dụng ngăn bệnh nặng, nhất là ở những người trẻ, theo trang tin The Hill.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia, bao gồm cả các quan chức y tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ mũi tiêm thứ 3, nhất là trước nguy cơ từ biến chủng Omicron.
Ngày 16-11 vừa qua, Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Liên minh Vắc xin nhân dân (PVA) - một liên minh vận động để tiếp cận vắc xin COVID-19 rộng rãi hơn - cho biết Hãng Pfizer, BioNTech và Moderna đã bán phần lớn vắc xin COVID-19 của họ cho các nước giàu, khiến các nước có thu nhập thấp lâm vào cảnh khó khăn.
Liên minh PVA ước tính 3 "ông lớn" dược phẩm này sẽ thu về tổng lợi nhuận trước thuế là 34 tỉ USD trong năm nay, tương đương hơn 1.000 USD mỗi giây, 65.000 USD mỗi phút, hay 93,5 triệu USD mỗi ngày.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online