Mỗi người nhiễm bệnh đều tạo cơ hội cho virus SAR-CoV-2 đột biến và Omicron có "lợi thế" hơn so với những biến chủng trước: Nó lây lan nhanh hơn, mặc dù xuất hiện trong cộng đồng có khả năng miễn dịch tốt hơn nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên.
Điều đó có nghĩa là virus có thể tiếp tục đột biến trong cơ thể người. Các chuyên gia không khẳng định các biến chủng tiếp theo sẽ như thế nào hoặc chúng ảnh hưởng ra sao tới diễn biến đại dịch, nhưng không có gì đảm bảo rằng các chủng tiếp theo sẽ gây ra bệnh nhẹ hơn hoặc các loại vaccine hiện tại sẽ hiệu quả trong việc chống lại chúng.
"Omicron càng lây lan nhanh thì càng có nhiều cơ hội đột biến, có khả năng dẫn đến nhiều biến chủng hơn", Bloomberg dẫn lời Leonardo Martinez, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, cho biết.
Omicron có thể giúp chấm dứt đại dịch?
Kể từ khi xuất hiện vào giữa tháng 11 năm ngoái, Omicron đã lan khắp toàn cầu như "cháy rừng". Nghiên cứu cho thấy biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh ít nhất gấp 2 lần so với Delta và ít nhất 4 lần so với chủng virus gốc.
Omicron có nhiều khả năng tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19 và gây ra "lây nhiễm đột phá" ở những người đã được tiêm chủng, đồng thời tấn công cả những người chưa được tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận kỷ lục 15 triệu ca Covid-19 mới trong tuần từ ngày 3-9/1, tăng 55% so với tuần trước đó.
Ngoài việc cản trở những người khỏe mạnh không thể đi làm và đi học, Omicron với khả năng lây lan nhanh cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tồn tại lâu hơn bên trong cơ thể của những người có hệ miễn dịch yếu, từ đó tạo thêm thời gian để virus phát triển các đột biến mạnh.
"Những ca nhiễm dai dẳng, kéo hơn dường như là nơi sinh sôi nảy nở của các biến chủng mới", Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Vì Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nên sự xuất hiện của biến chủng này đã làm dấy lên hy vọng rằng, đây sẽ là khởi đầu của xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, như cảm lạnh thông thường. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia cho biết virus không lây lan mạnh nếu chúng giết chết vật chủ rất nhanh. Tuy nhiên, không phải lúc nào virus cũng ít gây chết người hơn theo thời gian.
Số ca nhập viện vì Covid-19 tại nhiều nước vẫn tăng khi các biến chủng mới xuất hiện (Ảnh: Getty).
Theo chuyên gia Ray, biến chủng cũng có thể đạt được mục tiêu chính - tái tạo - nếu những người bị nhiễm ban đầu có các triệu chứng nhẹ, lây lan virus bằng cách tiếp xúc với những người khác, sau đó bị bệnh nặng.
"Mọi người tự hỏi liệu virus có tiến triển đến mức độ nhẹ hay không. Nhưng không có lý do cụ thể nào để nó làm như vậy. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tự tin rằng virus sẽ ít gây chết người hơn theo thời gian", ông Ray nói thêm.
Việc ngày càng né tránh miễn dịch tốt hơn giúp virus tồn tại lâu hơn. Khi SARS-CoV-2 lần đầu tấn công con người, không ai được miễn dịch. Nhưng khi số người bị nhiễm virus tăng lên và vaccine xuất hiện, ít nhất một số cộng đồng dân cư đã được bảo vệ, do vậy virus phải học cách thích nghi.
Với sự lây lan của cả Omicron và Delta, nhiều người có thể bị nhiễm trùng kép, dẫn đến tình huống mà chuyên gia Ray gọi là Frankenvariants - "con lai" mang đặc điểm của cả hai biến chủng.
Vai trò của các biện pháp bảo vệ
Theo AP, khi các biến chủng mới xuất hiện, các nhà khoa học nói rằng vẫn rất khó để biết từ các đặc điểm di truyền mà chúng có thể phát triển. Ví dụ, Omicron có nhiều đột biến hơn các chủng virus trước đó, với khoảng 30 đột biến protein gai. Trong khi đó, biến chủng IHU được xác định ở Pháp và được WHO theo dõi có 46 đột biến và dường như không lây lan nhiều.
Để hạn chế sự xuất hiện của các biến chủng, các nhà khoa học nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang và tiêm phòng. Mặc dù Omicron có khả năng né miễn dịch tốt hơn Delta, nhưng các chuyên gia cho biết, vaccine vẫn cung cấp khả năng bảo vệ và việc tiêm nhắc lại giúp giảm đáng kể các ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Các chuyên gia cho biết Covid-19 sẽ không trở thành bệnh đặc hữu như cúm chừng nào tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu còn ở mức thấp. Trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc bảo vệ con người khỏi các biến chủng trong tương lai - bao gồm những biến chủng có khả năng kháng lại hoàn toàn với các mũi tiêm hiện nay - phụ thuộc vào việc chấm dứt tình trạng mất cân bằng vaccine toàn cầu.
Ông Tedros cho biết WHO kỳ vọng 70% người dân ở mọi quốc gia sẽ được tiêm chủng vào giữa năm nay. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, hiện có hàng chục quốc gia có chưa đến 1/4 dân số được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó ở Mỹ, nhiều người vẫn tiếp tục phản đối các loại vaccine.
"Những cộng đồng rộng lớn chưa được tiêm phòng này ở Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và những nơi khác về cơ bản là các "nhà máy biến chủng". Đó là một thất bại to lớn trong vai trò lãnh đạo toàn cầu mà chúng ta đã không thể làm được", tiến sĩ Prabhat Jha tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu thuộc Bệnh viện St. Michael ở Toronto nhận định.
Louis Mansky, giám đốc Viện nghiên cứu virus học phân tử tại Đại học Minnesota, nhận định sự xuất hiện của các biến chủng mới là không thể tránh khỏi. Ông nói rằng, với rất nhiều người chưa được tiêm chủng, Covid-19 vẫn "có thể kiểm soát những gì đang xảy ra".
Theo apnews