Từ chiều 29/5, Thủ đô Hà Nội bất ngờ xuất hiện trận mưa cực lớn. Mưa kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, làm nhiều tuyến phố nội thành ngập sâu, các phương tiện di chuyển rất khó khăn, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, trong thời gian tới, khu vực Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc sẽ còn tiếp tục thường xuyên xảy ra các trận mưa bất ngờ tương tự.
Đặc biệt, sau những trận mưa lớn, rất nhiều vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật.
Bệnh ngoài da là một trong những tình trạng hay gặp nhất khi người dân phải "lội nước", tiếp xúc nước ngập trong thời gian dài.
Người dân có thể nhận diện nhóm bệnh này thông qua các triệu chứng điển hình sau:
Viêm da tiếp xúc
Việc ngâm mình lâu trong nước ngập là một trong những nguy cơ gây tổn thương tế bào sừng, dẫn đến viêm và kích ứng.
Biểu hiện lâm sàng của tình trạng viêm da tiếp xúc là xuất hiện các mảng ban đỏ tại vùng tiếp xúc, mụn nước, cảm giác châm chích, bỏng rát và đau nhức
Khi mắc bệnh lý này, người dân cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng và giữ khô tổn thương để ngăn ngừa các bệnh da thứ phát. Điều trị hỗ trợ bằng các thuốc có chứa corticoid tại chỗ và kháng histamine toàn thân.
Nấm da
Bệnh nấm da do vi nấm dermatophytes gây nên. Nhiều sợi nấm liên kết với nhau tạo thành búi nấm. Khi sợi nấm đã già hoặc hết chất dinh dưỡng thì búi nấm sẽ hình thành bào tử. Trên da người, nấm sẽ phát triển ở vùng da nào ẩm ướt, có nhiều mồ hôi như ở bẹn, bìu, kẽ các ngón chân, xung quanh thắt lưng, nếp dưới vú, nách, cổ...
Nổi ban đỏ, mụn nước, trợt loét da kèm theo ngứa nhiều là những triệu chứng điển hình của bệnh.
Bàn chân là nơi tiếp xúc với nước bẩn nhiều nhất nên dễ mắc nấm nhất. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, mặc quần áo ẩm và tự ý bôi thuốc có chứa corticoid làm bệnh nặng thêm.
Bệnh nấm da có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ
Bệnh da bội nhiễm do chấn thương
Vết thương do chấn thương thường là tình trạng ban đầu, sau đó là nhiễm trùng thứ phát. Biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy như viêm mô bào, hoại tử và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết.
Làm sạch vết thương, bôi mỡ kháng sinh và băng vết thương là một trong những cách điều trị hiệu quả nhất đối với những vết thương bị nhiễm trùng.
Nhà bị ngập úng cần làm gì khi nước rút để phòng bệnh?
Theo các chuyên gia, sau khi nước rút, gia đình nên lau rửa, làm vệ sinh khử khuẩn nhà cửa hàng ngày bằng các loại chất tẩy rửa thông thường. Ngoài ra, nên thường xuyên mở cửa sổ, cửa ra vào để đón nắng, thông thoáng khí. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ.
Gia đình cũng lưu ý phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
Ngoài ra gia đình cũng lưu ý khơi thông hoặc lấp các vũng nước đọng, phát quang các bụi rậm quanh nhà, vì nếu không sẽ dễ tạo môi trường ẩm thấp, thuận lợi cho ruồi, muỗi và các loại côn trùng trung gian truyền bệnh có điều kiện phát triển, truyền bệnh sang người.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí