Một nghiên cứu mới trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết hầu hết mũi thứ 3 của 7 loại vắc xin COVID-19 hiện nay giúp tăng cường miễn dịch mạnh mẽ. Dù vậy, nghiên cứu này cũng lưu ý hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào cách kết hợp vắc xin.

1 Hau Het Mui Thu 3 Cua Cac Loai Vac Xin Covid 19 Giup Tang Cuong Mien Dich Manh

Một nghiên cứu mới trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết mũi thứ 3 của 7 loại vắc xin COVID-19 hiện nay hầu hết giúp tăng cường miễn dịch mạnh mẽ - Ảnh: REUTERS

Tháng 6 năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở Anh đã bắt đầu theo dõi khoảng 3.000 người để so sánh các cách kết hợp khác nhau giữa các loại vắc xin và tác dụng của chúng sau liều thứ 3. 

3.000 người trong nghiên cứu đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech.

Ít nhất 2 tháng sau liều thứ 2 của Pfizer-BioNTech và 3 tháng đối với AstraZeneca, một phần số người tham gia nghiên cứu được tiêm mũi thứ 3 bằng một trong hai loại vắc xin trên hoặc CureVac, Moderna, Novavax, Valneva hay Janssen.

Phần còn lại được tiêm giả dược.

Công bố ngày 3-12, nghiên cứu này ghi nhận gần như tất cả người tham gia, không tính những người được dùng giả dược, đều tăng phản ứng miễn dịch. Các cá nhân ban đầu tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech và tiêm bổ sung bằng Valneva không có sự khác biệt đáng chú ý.

"Tất cả loại vắc xin đều giúp tăng cường miễn dịch mạnh ở người lớn tuổi và trẻ tuổi. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ rệt về phản ứng giữa các mũi vắc xin bổ sung cụ thể, phù hợp với dữ liệu từ các nghiên cứu khác", nghiên cứu cho biết.

Dù vậy, Hãng tin AFP ghi nhận nghiên cứu này vẫn còn một số giới hạn.

Điển hình, liều vắc xin thứ 3 được dùng ngay sau liều thứ 2, trong một số trường hợp khoảng cách giữa mũi 2 và 3 ngắn hơn so với giữa mũi 1 và 2, có thể làm giảm khả năng miễn dịch.

Nghiên cứu trên đã đo lường phản ứng miễn dịch của người tham gia, nhưng chưa kiểm tra hiệu quả thực sự của các vắc xin ở người bị nhiễm COVID-19, hay khả năng ngăn các triệu chứng nặng của chúng.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi mức miễn dịch của người tham gia từ 7 đến 8 tháng sau liều đầu tiên của họ. Kết quả dự kiến ​​sẽ được công bố vào năm sau.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC