Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu thu hồi kem Diệp Bảo do nghi bị nhiễm chì, sau khi hai bé có nồng độ chì trong máu cao. Cục Quản lý Dược xác định nhãn hiệu này chưa được đăng ký.

Quyết định được FDA đưa ra sau khi Cơ quan Y tế Oregon (OHA) xét nghiệm hai mẫu kem Diệp Bảo, phát hiện hàm lượng chì cao. FDA không công bố hàm lượng chì cụ thể trong sản phẩm. Trước đó, hai trẻ sơ sinh đã dùng kem này, xét nghiệm có nồng độ chì trong máu tăng cao. Trường hợp đầu tiên được xác định sau mẹ bé chia sẻ thông tin trong một nhóm Facebook tại Việt Nam, vào tháng 12/2022. Trường hợp thứ hai được OHA báo cáo vào tháng 1/2023.

Đây là kem dùng cho trẻ em, trên nhãn ghi thông tin bằng tiếng Việt, công dụng là hỗ trợ trị chàm sữa, viêm da, dưỡng ẩm, hết ngứa, ngừa thâm sẹo. Sản phẩm được đóng gói trong hộp bìa cứng màu trắng với tuýp kem bên trong. Mặt dưới hộp ghi NSX 01/05/2021 và HSD 05/07/2023.

FDA khuyến cáo người đã mua kem Diệp Bảo tuýp 10 g cần ngừng sử dụng, đồng thời liên hệ với cơ sở y tế nếu có triệu chứng bất thường. Cũng theo FDA, nhà sản xuất đã đình chỉ bán sản phẩm tại nước này trong thời gian điều tra.

1 Kem Da Cho Tre Em Bi My Nghi Nhiem Chi

Bao bì và sản phẩm kem Diệp Bảo tại Mỹ. Ảnh: FDA

Ngày 7/2, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết đã rà soát cơ sở dữ liệu cấp số tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu. Theo Cục, không có thông tin cho thấy sản phẩm Kem Diệp Bảo đã được cấp số. Báo cáo nhanh từ hai sở Y tế Đồng Nai và TP HCM, nhãn hiệu kem này chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu hai sở Y tế TP HCM và Đồng Nai kiểm tra hoạt động công bố, sản xuất, kinh doanh kem Diệp Bảo tại các sàn thương mại điện tử và địa chỉ công ty. Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc và Mỹ phẩm lấy mẫu kem Diệp Bảo trên thị trường để kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, arsen).

Theo FDA, người bị nhiễm chì đôi khi không biểu hiện triệu chứng. Song nhiễm độc chì có thể gây đau bụng, yếu cơ, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sụt cân và đi tiểu ra máu hoặc giảm lượng nước tiểu.

Trẻ em dễ nhiễm độc chì khi chúng chạm tay vào mặt sau đó đưa lên miệng. Nếu tiếp xúc đủ lượng chì trong thời gian dài, chẳng hạn vài tuần đến vài tháng, hệ thần kinh trung ương có thể bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến rối loạn chức năng học hỏi, khiếm khuyết phát triển và các vấn đề sức khỏe lâu dài khác.

Thục Linh

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC