Khoai lang rất tốt, nhưng không phải tốt cho tất cả mọi người. Đây là 5 bí mật khi ăn khoai lang mà nhiều người chưa biết. Nếu bạn là người có bệnh dạ dày, càng nên tham khảo sớm.
Khoai lang được mệnh danh là một "siêu thực phẩm"
Khoai lang là món ăn bình dân phổ biến hàng đầu trong nhóm thực phẩm nhưng lại có giá trị dinh dưỡng vô cùng phong phú, có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu của Đông y, khoai lang có vị ngọt, tính kiềm, có lợi cho việc duy trì sự cân bằng a xít trong máu.
Khoai lang chứa một lượng lớn protein kết dinh, polysaccharides, chất nhầy, mang lại tác dụng giúp cơ thể có thể duy trì sự linh hoạt của máu não và tim, từ đó có thể ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh xơ vữa động mạch, tốt cho đường hô hấp, đường tiêu hóa, mang lại tác dụng bôi trơn khoang khớp.
Ngoài ra, khoai lang có chứa một lượng lớn chất xơ, có thể thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón hiệu quả và giảm tỷ lệ ung thư trực tràng và ung thư đại tràng.
Hơn nữa, khoai lang là món ăn chứa ít calo, tạo cảm giác no rất mạnh mẽ, là một món ăn có thể làm thức ăn chính (ăn khoai trừ bữa) hoặc có thể làm thức ăn vặt, ăn bữa phụ. Do có thể mang lại cảm giác no nhanh chóng nên khoai lang là thực phẩm hàng đầu giúp bạn giảm cân.
Năng lượng của khoai lang chỉ bằng 1/3 so với cơm, trong khi chứa rất ít chất béo và cholesterol. Ngoài ra, khoai lang còn chứa nhiều chất xơ và chất keo, có thể giúp làm hoặc ngăn đường chuyển hóa thành chất béo, vì vậy bạn không phải lo lắng về việc bị béo khi ăn khoai.
Mặc dù khoai lang là món ăn được đánh giá rất cao, có danh y từng nói rằng đây là món "siêu thực phẩm" tốt nhất thế giới, nhưng dù vậy, đây lại là món ăn không phải tốt cho tất cả mọi người. Sau đây là những lưu ý khi ăn khoai lang để không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
1. Đã ăn khoai thì giảm ăn món chính
Khoai lang chứa một lượng carbohydrates tương đương với cơm, vì vậy, nếu bạn đã ăn khoai thì nên giảm lượng cơm ăn vào trong ngày để không bị quá dư thừa tinh bột.
Khi ăn khoai lang, các chất trong khoai sẽ dễ dàng tạo ra một lượng lớn khí trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đầy bụng và ợ hơi, vì vậy, nếu bạn vẫn ăn cơm bình thường thì chỉ nên ăn thêm khoảng 100-200g khoai lang. Điều này sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
2. Nên ăn khoai lang kết hợp với rau quả
Nếu bạn chỉ ăn mỗi khoai lang riêng biệt thì sẽ không đủ sự đa dạng dinh dưỡng. Hàng ngày khi ăn khoai lang, nên cố gắng kết hợp ăn thêm các loại rau xanh và trái cây, thực phẩm thuộc nhóm chất đạm để đảm bảo một bữa ăn đầy đủ chất. Ngoài ra, sự kết hợp giữa khoai lang và thực phẩm khác sẽ giúp cho bạn nhận được nhiều hơn những lợi ích sức khỏe kèm theo.
Ví dụ, khi ăn khoai, có thể ăn thêm món thịt lợn, giúp làm tăng khả năng hấp thụ, có thể thúc đẩy sự hấp thu chất carotenoid tan trong chất béo và vitamin E. Khi ăn khoai với một số món ăn mặn có thể điều chỉnh hương vị, giảm axit dạ dày và loại bỏ sự khó chịu của dạ dày do tích tụ khí.
3. Người có bệnh về dạ dày thì không nên ăn khoai lang, hoặc ăn hạn chế
Nếu ăn khoai lang khi đói bụng rất dễ làm kích thích tiết axit dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của dạ dày. Đặc biệt, những người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, hoặc người có chức năng tiêu hóa yếu, dễ dẫn đến đau bụng, viêm loét dạ dày, bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính nên tránh việc ăn khoai lang để không làm cho tình trạng đau trở nên tồi tệ hơn.
4. Thời điểm ăn khoai lang tốt nhất là vào buổi trưa
Bởi vì sau khi chúng ta ăn khoai lang vào cơ thể, những chất dinh dưỡng trong khoai lang, đặc biệt là canxi cần trải qua ít nhất 4 giờ đồng hồ mới có thể được hấp thu hết. Khi buổi chiều có nhiều ánh sáng, trời nắng sẽ hỗ trợ việc hấp thụ canxi nhanh hơn. Nếu ăn khoai vào buổi trưa, đến tối là có thể hấp thụ hết canxi, không làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ thức ăn của bữa tối.
5. Cách ăn khoai lang tốt nhất là nên nấu chín kỹ
Do khoai lang có hàm lượng tinh bột cao, nếu nấu không chín hoặc ăn sống sẽ gây ra chứng khó tiêu, thực phẩm không được tiêu hóa toàn phần. Vì vậy, nên nấu chính kỹ là tốt nhất. Khi luộc khoai, nên nấu với nhiệt độ cao, để giúp làm nóng chất xơ hòa tan, không chỉ dễ tiêu hóa, mà còn làm tăng vị ngọt của khoai lang.
Điều quan trọng cần lưu ý là khoai lang phải được nấu chín và nấu chín kỹ, nếu không nó sẽ không được tiêu hóa và sẽ gây khó chịu. Cách truyền thống và giàu dinh dưỡng nhất chính là cắt khoai lang thành từng miếng và nấu trộn với ngô hoặc gạo, đây là một cách ăn rất tốt mà bạn nên duy trì.
*Theo Health/TT
Tri thức trẻ