Có vẻ như nhiều gia đình vẫn bỏ ngoài tai với thói quen dùng dầu ăn cực tai hại này.

Dù bạn có muốn tiết kiệm bao nhiêu chăng nữa thì kết quả cuối cùng vẫn luôn tồn đọng một lượng dầu ăn còn dư thừa trên chảo. Bạn sẽ làm gì với lượng dầu ăn này? 

Khá nhiều người sẽ tặc lưỡi giữ lại để sử dụng cho những lần sau. Chúng ta vẫn hay gọi đó là tái sử dụng dầu ăn hay dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần.

1 Kieu Dung Dau An Gay Ung Thu Duoc Chuyen Gia Canh Bao Dang Tiec Duong Nhu Nha Nao Cung Mac

Khá nhiều người sẽ tặc lưỡi giữ lại dầu ăn đã dùng để sử dụng cho lần sau.

Sự thật là như vậy. Dù cho bạn nghe ra rả đài báo thỉnh thoảng nhắc nhở đừng tái sử dụng dầu ăn vì lợi ích sức khỏe, vì để phòng tránh ung thư… Thế nhưng, chắc chắn vẫn có nhiều người chẹp miệng nghĩ dầu ăn đã qua chiên rán có bị đen đâu, ăn mãi có sao đâu, rồi thì chưa chết vì ung thư đã chết vì hoang phí… 

Những điệp khúc ấy cứ ra rả khi bạn định lên tiếng khuyên nhủ một ai đó thay đổi thói quen sử dụng dầu ăn của chính họ. Bạn có biết, thói quen ăn uống gây nên bệnh tật không chỉ cho chính bạn mà còn vô số những người thân yêu? Đó là bố mẹ bạn, là người chồng/ người vợ, là những đứa con thân yêu của bạn… Bệnh tật từ nhà bếp có thể tìm đến với mọi thành viên trong gia đình qua những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt đến vậy. Là người chăm lo từng bữa cơm cho gia đình, bạn có xót?

Dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần – Thói quen ăn uống gây bệnh ung thư

PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết, dùng dầu rán thức ăn trong nhiệt độ cao nhiều lần sẽ làm dầu bị oxy hóa, tạo ra những chất không tốt cho sức khỏe. Hàm lượng vitamin A, E trong loại dầu này bị phá hủy. Chưa kể, mùi vị món ăn dùng loại dầu này không đảm bảo hương vị.

"Ngay cả khi mới chiên rán lần đầu xong, lượng dầu mỡ đó ít nhiều có mùi thức ăn cũ, gây ảnh hưởng đến món ăn mới", chuyên gia khẳng định.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Illinois (Mỹ) đã nghiên cứu và lập luận dầu ăn được đun nóng nhiều lần sẽ bị phân hủy chất béo trung tính, dẫn đến quá trình oxy hóa axit béo tự do và giải phóng chất gây ung thư độc hại gọi là acrolein.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần hình thành thói quen ăn uống gây bệnh ung thư. Đây là chứng bệnh từ bếp mà ra cực phổ biến trong cuộc sống hiện nay ở các gia đình Việt.

Ngoài việc dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần cũng không còn giá trị dinh dưỡng như ban đầu, các vitamin có trong dầu lúc này đã bị phá hủy, vị chuyên gia nhận định: "Sau khi chiên rán lần đầu, loại dầu mỡ đó thậm chí có mùi khét, bị cháy. Nếu tiếp tục sử dụng sẽ làm thực phẩm mất đi hương vị thơm ngon và trở thành mầm mống gây bệnh ung thư".

Chuyên gia nhấn mạnh, nhiều người nghĩ dầu ăn đã chiên rán nhưng không bị cặn, bị cháy đen sẽ không sao. Thực tế, cặn bị cháy đọng lại sau khi chiên rán thực phẩm ở lần đầu vô cùng nguy hiểm, mắt thường không nhìn thấy hết. Đây chính là tác nhân gây bệnh cho con người, nhất là bệnh ung thư, trong khi nhiều người Việt vì không nhìn thấy cặn lại nghĩ là an toàn.

Làm thế nào để sử dụng dầu ăn vừa tiết kiệm vừa tránh nguy cơ ung thư?

Giới chuyên gia khuyên, tốt nhất khi nấu ăn, chúng ta nên chú ý cân đối lượng dầu chiên rán, cần biết dùng đủ, không phải cứ đổ tràn trề rồi còn thừa nhiều lại để dùng cho những lần sau.

Ngoài ra, với lượng dầu ăn đã chiên rán qua một lần, bạn có thể tái sử dụng thêm một lần nữa trong trường hợp chắc chắn dầu của bạn nóng vừa đủ và chưa bị bốc khói. Một khi dầu nóng và đã vượt qua điểm bốc khói thì hãy đổ đi.

Dầu đang sử dụng vượt qua điểm bốc khói khi bạn vặn lửa quá to, dầu sẽ bốc khói rất nhanh, trong khói có chất acreolin làm cay mắt.

Loại dầu này cần vứt bỏ, không sử dụng thêm lần nào nữa. Mỗi một loại dầu có một nhiệt độ bốc khói khác nhau như dầu hướng dương ở 246 độ C, dầu đậu nành là 241 độ C, Canala 238 độ C, ôliu 190 độ C...

Nếu bạn thực sự muốn sử dụng dầu ăn chiên rán cho lần sau, ngoài việc đảm bảo dầu chưa bốc khói cần lọc tất cả những hạt hoặc cặn thức ăn ra khỏi dầu, bảo quản trong bình kín. Đóng chặt nắp chai, bảo quản trong tủ có cửa đóng kín, quấn giấy bạc, hạn chế ánh sáng lọt vào.

Tuy nhiên đây chỉ là trong trường hợp bất đắc dĩ. Cách tốt nhất vẫn là dùng lượng dầu vừa phải cho mỗi lần nấu ăn, không quá nhiều không quá ít để tránh uổng phí, đổ đi không phải tiếc, vừa bảo vệ sức khỏe vừa phòng tránh ung thư tối đa nhé!

Theo Nhịp Sống Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC