Bồ công anh là loại thực vật khá phổ biến ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Bồ công anh thường mọc hoang ở những khu vực có đất đai ẩm ướt, vườn, ven đường hoặc các bãi sông, phổ biến nhất là ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bồ công anh thuộc họ cúc Asteraceae, còn được gọi là diếp hoang, rau bồ cóc, mũi mác hay rau lưỡi cày.
Đặc điểm của bồ công anh
- Thân cây nhỏ, cao khoảng 30 – 100cm mọc thẳng, nhẵn và không có cành hoặc rất ít cành;
- Lá thường mọc chủ yếu ở phần gốc cây, có hình dạng dài thân và lá cây chứa nhựa màu trắng như sữa, vị đắng;
- Hoa có màu vàng hoặc màu trắng, được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền;
- Bồ công anh là loại cây có thể trồng bằng hạt, thời điểm thích hợp để trồng là vào tháng 3 – 4 hoặc tháng 9 – 10, cây trồng sau 4 tháng là có thể thu hoạch. Thông thường lá cây sau khi thu hái có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô và cất dùng dần mà không cần qua chế biến đặc biệt nào.
Bồ công anh có thể dùng làm dược liệu trong y học cổ truyền
Bồ công anh không chỉ được dùng làm trà mà còn được dùng làm thuốc. Dưới đây là một số công dụng của bồ công anh:
1. Thanh nhiệt, giải độc
Bồ công anh là một vị thuốc thanh nhiệt, giải độc rất tốt, giảm sưng tấy và làm tan các vết sưng tấy. Bởi trong bồ công anh có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm giúp tăng cường đào thải các độc tố trong gan, tính mát từ cây thuốc còn giúp thanh nhiệt cơ thể, rất hiệu quả trong việc giải độc gan.
2. Điều trị các bệnh về da
Thân và lá của cây bồ công anh có chứa nhựa màu trắng sữa, có tính kiềm cao và có công dụng sát khuẩn giúp điều trị các bệnh ngoài da do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn như ghẻ, eczema, ngứa do nấm,...
3. Thông tắc sữa
Lá bồ công anh là bộ phận có khả năng trị tắc tia sữa và giúp lợi sữa cho mẹ. Bởi theo nghiên cứu, trong lá bồ công anh có chứa nhiều sắt và các vi chất như sodium, canxi, magie. Chính vì vậy, sử dụng lá bồ công anh sẽ giúp làm mát cơ thể, thông tắc tia sữa, kích thích cho sữa chảy, làm tan các cục sữa đông, từ đó giúp lợi sữa cho mẹ.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây bồ công anh có thể tác động đến hormone prolactin có vai trò kích thích các tuyến sữa để sản xuất sữa và thúc đẩy quá trình tiết sữa.
4. Điều trị đau dạ dày, cải thiện hệ tiêu hóa
Bồ công anh là một vị thuốc rất tốt trong việc điều trị bệnh đau dạ dày, dùng chữa đau thượng vị, đầy bụng, nôn mửa, ợ chua,.... Ngoài ra, bồ công anh kích thích sự thèm ăn, giúp cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa. Các inulin và chất nhầy trong bồ công anh có tác dụng làm dịu đường tiêu hóa và các chất chống oxy hóa của nó giúp kích thích sự tăng trưởng các vi khuẩn đường ruột có lợi, đồng thời ức chế và ngăn cản vi khuẩn đường ruột có hại.
5. Bảo vệ gan
Theo nghiên cứu của nước ngoài, cây bồ công anh có tác dụng bảo vệ gan và hỗ trợ quá trình thải độc gan. Các hoạt chất trong bồ công anh loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, giúp tái cân bằng điện giải và tái lập các hydrat. Đặc biệt, rễ cây bồ công anh là chất dinh dưỡng tự nhiên quan trọng giúp làm giảm lượng virus viêm gan C, từ đó giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan C.
6. Phòng chống ung thư
Trong y văn cổ truyền, người Trung Quốc, người Mỹ và người Ả Rập đều từng nhắc đến những lợi ích sức khỏe của cây bồ công anh. Rễ cây bồ công anh có tác dụng phòng chống ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến. Các nghiên cứu chỉ ra rằng gốc và rễ của bồ công anh có thể tác động lên các tế bào ác tính và có khả năng trị liệu mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.
7. Cải thiện sức khỏe đường tiết niệu
Bồ công anh có chứa các thành phần kháng khuẩn và chống viêm, có tác dụng ngăn ngừa viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt,... Ngoài ra, bồ công anh còn giúp ức chế vi khuẩn có hại trong đường tiết niệu, từ đó giúp tăng cường sức khỏe cho hệ tiết niệu.
Bồ công anh tuy có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng một số đối tượng sau không nên dùng bồ công anh:
- Trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ mang bầu.
- Bệnh nhân tăng huyết áp, có bệnh tim, tiểu đường hay điện giải trong cơ thể không ổn định.
- Các bệnh nhân đang có bệnh về tiêu hóa hay dị ứng với nhựa cây, mủ cây.
- Những ai bị dị ứng với bồ công anh.
Cách chế biến bồ công anh
- Bồ công anh tươi thường được sử dụng như một loại rau. Bạn có thể dùng hoa và lá bồ công anh để nấu canh, làm salad, luộc, xào…
- Trà bồ công anh: Hãy ngâm rễ hoặc hoa bồ công anh trong nước sôi. Sau đó thêm mật ong hoặc chút bột quế tùy thích để tăng hương vị khi thưởng thức trà bồ công anh.
- Nước uống từ rễ bồ công anh: Sau khi rửa sạch rễ cây, hãy xắt nhỏ phần rễ và nướng ở nhiệt độ 200ºC trong khoảng 1 giờ để rễ khô hoàn toàn. Trước khi uống chỉ cần ngâm rễ đã nướng trong nước sôi khoảng 10 phút là có thể dùng được.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị