Biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, khi các nước vẫn chưa vượt qua những đợt "sóng dữ" mà biến thể Delta gây ra.
Đến nay, Omicron đã lây lan trên diện rộng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các kỷ lục buồn về Covid-19 ở nhiều châu lục.
Ngày 12/1 vừa qua, nước Đức ghi nhận 80.430 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát hai năm trước. Ở Ấn Độ, số ca mắc mới theo ngày đã tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm 2022. Châu Phi gần đây ghi nhận số ca mắc mới tăng 83% chỉ trong vòng một tuần, chủ yếu là do biến thể Delta và Omicron... Đây là những con số biết nói, cho thấy mức độ nguy hiểm khó lường của biến chủng Omicron và việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn cần được chú trọng trong năm 2022.
Tuy nhiên, điều đáng nói là bài toán phân phối, tiếp cận công bằng vắc-xin, cho đến giờ vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Trong khi một số nước phát triển đã đạt được thỏa thuận từ sớm với các nhà sản xuất để bảo đảm vắc-xin được phân phối cho người dân, thì nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lại chỉ có thể dựa chủ yếu vào nguồn cung hạn chế từ Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX. Châu Phi từ lâu luôn bị tụt lại phía sau các khu vực khác về tốc độ bao phủ vắc-xin.
Hiện tại, chưa đầy 10% dân số ở "lục địa đen" được tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19. Khi đặt con số này bên cạnh tỷ lệ 62,6% dân số Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, có thể thấy những gam mầu sáng-tối tương phản rõ rệt trên bức tranh vắc-xin toàn cầu.
Ông Tian Johnson (T.Giôn-xơn), người sáng lập Liên minh phân phối vắc-xin châu Phi nhấn mạnh: "Trong khi ở một số quốc gia khác, người dân đang tiêm các mũi vắc-xin tăng cường và thúc đẩy tiêm cho động vật trong sở thú, thì ở châu Phi, mới chỉ có hơn 7% dân số được tiêm phòng đầy đủ".
COVAX, một sáng kiến quan trọng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin nhanh và bình đẳng trên toàn cầu, cũng đang đối mặt thách thức lớn. Năm 2021, dù rất nỗ lực song COVAX mới bàn giao được 900 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia, chưa đạt được một nửa mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm 2021.
Giới chuyên gia nhận định, bảo đảm nguồn tài chính lẫn nguồn cung vắc-xin luôn là "bài toán hóc búa" đối với COVAX kể từ khi cơ chế này được thành lập. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng hồi quý II/2021 đã buộc Ấn Độ, nhà cung cấp vắc-xin lớn của COVAX, phải ngừng xuất khẩu vắc-xin, khiến quá trình chuyển giao đến các khu vực khác bị chậm lại. Không chỉ có vậy, COVAX cũng gặp khó khăn với các nước giàu để đặt hàng vắc-xin với các nhà sản xuất.
WHO khẳng định, bất bình đẳng vắc-xin chính là cách chúng ta "tự thua" trong cuộc chiến chống đại dịch.
Theo ông Jeremy Farrar (G.Pha-ra), Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust có trụ sở tại Anh, sự xuất hiện của các biến thể mới đã cho thấy tại sao thế giới cần bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vắc-xin và các công cụ y tế công cộng khác. Cùng phối hợp hành động trên quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm tất cả mọi người đều được tiếp cận vắc-xin là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách không chỉ của riêng quốc gia nào.
TƯỜNG VY
Nguồn: nhandan.vn