Cơ hội có thai tỷ lệ nghịch với độ tuổi của người phụ nữ. 75% phụ nữ độ tuổi 30 sẽ thụ thai nếu cố gắng trong 1 năm, với phụ nữ ở tuổi 40 thì chỉ có 45%.
Khi một phụ nữ đến tầm giữa và cuối 30, số lượng và chất lượng trứng của người đó sẽ giảm vì vậy sẽ khó thụ tinh so với khi còn trẻ. Ngay cả việc sử dụng các công nghệ như thụ tinh trong ống nghiệm thì tỷ lệ vẫn rất thấp.
Những rủi ro khi mang thai sau tuổi 40
Đối với người mẹ
1. Sảy thai
Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sảy thai cao hơn cả trong giai đoạn đầu của thai kỳ với tỷ lệ hơn 90% ở người trên 45 tuổi, so với 25% ở phụ nữ trên 35 và 12% ở phụ nữ dưới 30 tuổi.
2. Mang thai ngoài tử cung
Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ mang thai ngoài tử cung gấp 4 đến 8 lần so với phụ nữ trẻ. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng vùng chậu và các vấn đề với ống dẫn trứng…
Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm đau bụng hoặc chảy máu bất thường nhưng cũng có thể không có triệu chứng.
3. Dễ mang đa thai
Càng nhiều tuổi thì phụ nữ càng dễ mang thai sinh đôi hoặc đa thai. Nhưng trong những trường hợp này, cả mẹ và con lại dễ gặp vấn đề về sức khỏe và cần được theo dõi sát sao.
4. Đái tháo đường trong thai kỳ
Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 – 6 lần so với phụ nữ tuổi từ 20 – 29. Điều này làm tăng nguy cơ về các biến chứng tiềm ẩn cho người mẹ và đứa bé trong thời gian mang thai cũng như trong quá trình sinh nở.
5. Huyết áp cao khi mang thai
Phụ nữ lớn tuổi mang thai có nguy cơ sẽ bị cao huyết áp. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển tình trạng tiền sản giật, một biến chứng mang thai do huyết áp cao làm tổn thương hệ thống các cơ quan khác, thường là thận.
Nếu không được điều trị thì nó có khả năng đe dọa đến mạng sống của mẹ và bé.
6. Các biến chứng từ những vấn đề sức khỏe có trước khi mang thai
Với sự gia tăng tuổi tác, khả năng bị béo phì hoặc các vấn đề sức khoẻ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp và các vấn đề về tim sẽ cao hơn. Do vậy cần theo dõi tình trạng bệnh trong thời kỳ mang thai vì rất có thể nó sẽ làm tăng tỷ lệ nhập viện, mổ đẻ và sinh non.
Đối với bé
1. Bất thường nhiễm sắc thể
Nguy cơ này đặc biệt cao sau 35 tuổi và phổ biến nhất là hội chứng Down được phát hiện ở thai nhi.
2. Các khiếm khuyết
Nguy cơ trẻ khuyết tật tim ở phụ nữ trên 40 tuổi gấp 4 lần so với tuổi 20 – 24. Nguy cơ chân bị tật (bàn chân vẹo về phía mắt cá chân) và thoát vị cơ hoành (lỗ hổng trong cơ hoành khiến các cơ quan trong bụng di chuyển vào khoang ngực) cũng tăng cao.
3. Thai chết lưu
Ở độ tuổi từ 40 – 44, nguy cơ thai chết lưu cao gấp 3 lần so với tuổi từ 25-29. Do đó thai nhi nên được giám sát chặt chẽ hơn vào cuối kỳ mang thai.
4. Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân
Trẻ sinh non có thể gặp vấn đề về hô hấp do phổi chưa có đủ thời gian phát triển. Chúng cũng dễ bị nhiễm trùng, xuất huyết não và gặp vấn đề về điều hoà nhiệt độ cơ thể và nồng độ glucose trong máu.
Ngoài ra, trẻ sinh thiếu tháng nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề về thính giác, thị lực và bại não, nhất là khi trẻ sinh trước 32 tuần thai nghén.
Có lợi gì khi mang thai sau tuổi 40?
Dù có những rủi ro như trên, thì vẫn có một số lợi thế khi làm cha mẹ ở độ tuổi này.
Theo nghiên cứu, người mẹ càng lớn tuổi, sức khoẻ và sự phát triển của đứa trẻ càng cao, dựa trên một số điểm như thương tích không chủ ý, tỷ lệ tiêm chủng, phát triển ngôn ngữ và phát triển xã hội.
Những đứa trẻ này thường sẽ được cha mẹ tận tâm, kiên nhẫn chăm sóc và được chú ý hơn, đồng thời cha mẹ ở thời điểm này cũng sẽ có sự ổn định về mặt cảm xúc và tài chính.
Lời khuyên cho việc mang thai ở tuổi 40
1. Đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra và đảm bảo bạn đang ở trong tình trạng sức khoẻ tốt nhất trước khi mang thai. Thảo luận với bác sĩ phụ khoa các kỹ thuật sinh sản được hỗ trợ như thụ tinh trong tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm nếu bạn khó có thai.
2. Tập thể dục và ăn uống đúng cách để có cân nặng bình thường trước khi mang thai.
3. Tránh lối sống không lành mạnh như hút thuốc hoặc uống nhiều bia rượu.
4. Nạp thêm axit folic khi muốn có em bé để giảm nguy cơ phát triển bất thường của tủy sống hoặc não bộ.
5. Một khi có thai, nên đến gặp bác sĩ sản khoa để quét xác định vị trí thai nhi.
6. Đặt lịch với bác sĩ sản khoa để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trẻ và phát hiện bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra.
Theo: vnexpress.net