Cần giữ 5K khi tiêm chủng (ảnh chụp tại một điểm tiêm mũi 3 cho người cao tuổi tại trạm y tế một phường thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: BÍCH HÀ
Tại TP.HCM, dù đã qua "cao điểm" tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và 2 ngay trong dịch và hiện đa số ai cũng đã "được tiêm 2 mũi nhưng việc tiêm mũi 3 vẫn cần phải tổ chức an toàn.
Tôi mới đưa mẹ đi tiêm tại trạm y tế một phường ở TP Thủ Đức chiều 24-12 và thấy có một số điểm đáng tiếc, cần thay đổi để tiêm mũi 3 cũng phải tuân thủ tiêu chí "tổ chức tiêm an toàn".
1. Xác định đúng thời điểm tiêm
Mẹ tôi nhận được thư mời tiêm mũi 3. Thật quá vui khi thấy việc ưu tiên cũng như sự trân trọng với người cao tuổi. Tuy vậy, khi nhận thư mời, tôi đã có thắc mắc là mẹ mới tiêm mũi 2 vào đầu tháng 10-2021 và theo thông tin trên báo chí, việc thực hiện tiêm mũi 3 dành cho người đã tiêm mũi 2 sau 3 tháng trở lên. Đúng như dự đoán, bác sĩ xem hồ sơ đã trả lời mẹ tôi chưa đến thời điểm tiêm mũi 3. Ngoài mẹ tôi sẽ có những trường hợp khác tương tự và không phải không có những phiền toái khi lịch tiêm của các cụ rơi vào các ngày thường, con cái phải thu xếp công việc để đưa ba mẹ đi tiêm.
Tôi hiểu có lẽ thư mời được phát đi dựa theo lịch tiêm trước đó của phường. Ngặt nỗi, khi tổ chức tiêm rộng rãi trước đây, nhà ba mẹ tôi nằm trong diện phong tỏa nên không thể có lịch tiêm theo số đông những người cùng độ tuổi. Dữ liệu tiêm chủng của cư dân y tế phường có thể nắm được để phát thư mời hoặc thông báo trúng người và đúng thời điểm không? Và với các gia đình, nên chăng cần nắm chắc quy định "3 tháng sau mũi thứ 2" để không rơi vào trường hợp như mẹ tôi.
2. Phát hồ sơ kèm thư mời
Tại điểm tiêm có rất nhiều cô chú đi bộ một mình hoặc đi xe ôm đến. Điểm phát sinh gây khó cho các cụ là điền thông tin vô lịch sử tiêm - lịch sử bệnh - giấy chứng nhận tiêm. Thật không thể tả hết các khó khăn của các cụ với cảnh tay run mắt mờ trong khi các giấy tờ trên có khá nhiều chi tiết. Mặc dù khi gặp cảnh khó này, có nhân viên của y tế phường ra hỏi các cụ ai cần trợ giúp nhưng có đến hàng trăm cụ cùng lúc đến tiêm, khâu điền giấy tờ này diễn ra khá lộn xộn.
Vậy nên chăng cùng với việc phát thư mời, nên phát kèm các giấy tờ khác để ngay từ ở nhà, con cháu có thể điền giùm trước cho các cụ được không? Nói thêm, giấy chứng nhận tiêm đợt này vẫn còn dùng mẫu cũ có "mũi tiêm 1" và "mũi tiêm 2", việc nhỏ này cũng cho thấy chúng ta có việc tổ chức chưa tốt và cảm nhận chưa có sự chu đáo, cẩn thận, gây lúng túng cho các cụ.
Những người cao tuổi ở phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM chờ xét nghiệm để tiêm mũi 3 chiều 21-12 - Ảnh: T.T.D.
3. Đừng quên 5K tại điểm tiêm
Theo tìm hiểu của tôi, tất cả các cụ đều được mời đến tiêm lúc 13h30 và đã có gần cả trăm cô chú cùng đến một lúc. Dù sân trung tâm y tế tương đối rộng nhưng cũng không tránh khỏi việc tập trung rất đông người, trong đó có một số người nhà đi cùng. Như vậy, một số nguyên tắc của 5K đã vô tình bị bỏ qua trong khi như ai cũng biết dịch bệnh còn phức tạp và các cụ luôn luôn ở nhóm nguy cơ cao vì tuổi tác, bệnh nền mỗi người mỗi kiểu. Lạ hơn là nơi tiêm vắc xin cho các cụ đã bỏ qua việc sát khuẩn (ít nhất là sát khuẩn tay), bố trí quá ít ghế ngồi cho các cụ vì ngoài một số băng ghế cố định chỉ có thêm một ít ghế đẩu nhựa.
Khâu tổ chức rất lộn xộn dẫn đến việc tụ tập đông người xảy ra rất đáng ngại. Không có một thông báo và một cách sắp xếp khoa học khiến các cụ sốt ruột, ai cũng muốn nhanh đến bàn kiểm tra giấy tờ, kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm khiến việc chuẩn bị càng lộn xộn hơn.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tổ chức tốt hơn từ việc đón các cụ từ cổng, bố trí ghế ngồi theo thứ tự, hàng lối, thông báo rõ ràng bằng loa, bằng bảng hướng dẫn các bước như: ngồi chờ theo thứ tự, trình giấy tờ (đã được chuẩn bị sẵn từ nhà), đến bàn tiêm, nghỉ ngơi theo dõi. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ ghế ngồi, nên chuẩn bị thêm nước uống cho các cụ. Quan trọng hơn là có thể mời từng nhóm theo thời gian, tránh việc các cụ cùng đến tiêm, tập trung đông, không đảm bảo khoảng cách sẽ khó tránh khỏi.
Nên lập mô hình mẫu
Những ý kiến của tôi ở đây không chỉ là chuyện tiêm mũi 3 cho các cụ mà có thể là tiêm mũi 3 cho tất cả các đối tượng khác. Thời điểm này hoàn toàn khác việc phải tiêm ồ ạt như mũi 1, mũi 2 (và đã xảy ra rất nhiều nơi tập trung đông người do cách làm chưa khoa học) nên việc tổ chức tiêm cũng có thể nghiêm túc nghiên cứu lại và có thể thiết lập mô hình mẫu cho trạm y tế các phường.
Ngoài ra, rất mong lãnh đạo các phường quan tâm đến công tác này hơn, có chỉ đạo thường xuyên để việc tổ chức tiêm mũi 3 này thật sự khoa học và an toàn hơn nữa.
Chung tay vì những điều tốt đẹp
Trong lúc lộn xộn, nhân viên trạm y tế chỉ có thông báo rất to: "Tập trung đông vầy mà có ai nhiễm là nhiễm hết đó". Trong khi chính việc tổ chức thế nào cho an toàn mới là việc cần phải tính từ trước, với kinh nghiệm nhiều lần tiêm. Vai trò của đơn vị tổ chức tiêm quan trọng nhất trong việc phòng lây nhiễm tại các điểm tiêm.
Người nhà cũng nên chuẩn bị đầy đủ mọi giấy tờ liên quan nếu việc này được thực hiện như các đề xuất ở đây để tất cả chúng ta biến chủ trương rất ý nghĩa và cần thiết là ưu tiên vắc xin mũi 3 cho người lớn tuổi trước được diễn ra trơn tru, an toàn, trân trọng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online