Rất nhiều người trong chúng ta đã từng sử dụng những món ăn ngon chế biến từ gạo nếp cẩm. Vậy các bạn có biết lợi ích to lớn mà nếp cẩm mang lại cho sức khỏe con người?
Nếp cẩm (còn gọi là gạo đen) có tên khoa học là Philydrum lanuginosum Banks, còn gọi là nếp than. Ở nước ta, nếp than có tới 2 loại: than lợt (đỏ đậm) khi nấu rượu sẽ thành màu đỏ và than đen (tím đen) khi nấu rượu sẽ thành màu tím đậm.
Ở Trung Quốc cổ đại, gạo nếp cẩm chỉ được phục vụ cho nhà cầm quyền cao nhất là các Hoàng đế. Nếu bị bắt khi đang ăn cơm gạo đen, thì sẽ phải chịu tội chết. Do đó loại thực phẩm này được coi là “Gạo Cấm” lúc bấy giờ.
Y học cổ truyền gọi là bổ huyết mễ cho rằng, loại gạo này có tính ấm, vị ngọt, bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, tá tràng, đặc biệt gạo nếp cẩm đúng như tên gọi, là vị thuốc bổ huyết cực tốt.
Gạo nếp cẩm còn được gọi là bổ huyết mễ. (Ảnh: plo.vn)
Ngày này, các nhà dinh dưỡng coi gạo nếp cẩm chính là một siêu thực phẩm tuyệt vời. Lý do là sản phẩm này có hàm lượng đường thấp, giàu chất xơ, các acid amin, vitamin, nhiều khoáng chất, cũng chứa những chất chống bệnh tim mạch và ung thư.
Siêu thực phẩm phòng chống ung thư
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Hoa Kỳ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này. Họ phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin – một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Chính anthocyanin này đã tạo ra màu đậm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt… Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxi hóa sậm màu này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN – yếu tố dẫn đến ung thư.
Lợi cho tim mạch
Trong men gạo nếp có chứa hoạt chất lovastatin và ergosterol. Đây được coi là hai thành phần chính giúp hạn chế tai biến tim mạch, đồng thời tái tạo các mạch máu.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy cơm rượu nếp cẩm có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ, tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu. Tiến hành nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân. Một nhóm dùng thuốc hạ huyết áp, còn nhóm kia ăn cơm rượu nếp cẩm. Cả 2 nhóm này đều tham gia vào chương trình điều trị bằng cách thay đổi lối sống. Công trình nghiên cứu cho thấy sau 12 tuần và sau 24 tuần, lượng cholesterol (gồm cholesterol có hại và tổng mức cholesterol) giảm nhiều ở nhóm ăn cơm gạo nếp cẩm.
Cơm rượu nếp cẩm có lợi cho tim mạch. (Ảnh: cookpad.com)
Từ những lợi ích mà loại gạo này mang lại, các nhà sản xuất đã tìm cách để chuyển đổi cám gạo nếp cẩm trở thành một phần của bánh quy, ngũ cốc, thức uống, bánh ngọt, hoặc phẩm màu tự nhiên… Nhiều món ăn, đồ uống cũng được chế biến từ ngũ cốc này.
Một số cách chế biến món ăn từ gạo nếp cẩm
- Rượu nếp than (nếp cẩm):
Chọn nếp có màu tím đỏ khoảng 1kg. Cho xôi đã trộn men (cần dùng men mới và ngon) vào 2/3 thể tích vật chứa như hũ, lọ với nửa lít rượu trắng trên 40 độ. Đậy kín để ở chỗ thoáng mát, không có ánh sáng chiếu trực tiếp vào, nơi bóng tối càng tốt. Để trong 15 – 17 ngày, quan sát thấy hạt xôi chuyển thành dạng bột hoàn toàn và lắng xuống đáy hũ thì nhẹ tay chắt lấy phần nước rượu trong ở trên ra bình chứa khác (phần rượu có chất bột để riêng, đậy kín rồi để thêm 15 ngày nữa vẫn trong chỗ thoáng mát, không có ánh sáng… là uống được. Tùy ý có thể cho thêm nước đường và rượu trắng vào để thay đổi chất lượng rượu.
Người ta hay nói rượu cẩm hạ thổ bách nhật chính là rượu nếp làm bằng nếp than chôn dưới đất 100 ngày.
- Cơm nếp cẩm
Ngâm 1 kg gạo nếp cẩm qua đêm cho mềm. Cho nước ngang bằng với mức gạo nấu cho cơm chín mềm thì rải đều ra mâm cho nguội. Trộn đều 50 g men với cơm đã nguội. Cho vào miếng giấy bạc gói lại. Để bát con vào trong nồi, đặt gói cơm lên trên, đậy kín nắp nồi. Ủ trong thời gian 2 ngày là có thể sử dụng. Lúc này, cơm sẽ tiết ra nhiều nước, thơm phức mùi rượu, khi ăn có vị ngọt hơi cay.
- Sữa chua nếp cẩm
Món sữa chua nếp cẩm lợi tiêu hóa. (Ảnh: baomoi.com)
Nếp cẩm 0,5kg ngâm qua đêm cho mềm. Cho cả gạo và nước vào đun như nấu cháo, sau đó cho ½ lon nước cốt dừa vào đun. Sản phẩm gần giống cháo đặc. Hết nước lại cho thêm nước vào đun cho đến khi nhừ (trong lúc đun cho thêm một ít muối vào nhanh nhừ hơn). Cho đường vào cho vừa vị rồi bắc xuống ngay. Để nguội là có thể sử dụng. Khi ăn, lấy vài thìa nếp cẩm cho vào cốc cùng với một hộp sữa chua, có thể kèm với đá xay. Đây là một đồ ăn bổ dưỡng, mát lành trong những ngày hè. Món ăn này nên sử dụng sau khi ăn cơm, sẽ giúp tiêu hóa tốt.
Nguồn: Yến Dương
Báo Sức khỏe