Vào đầu tháng 11, chuyên gia tại phòng thí nghiệm ở tỉnh Gauteng, Nam Phi bắt đầu nhận thấy một số điều bất thường khi xử lý nhiều xét nghiệm Covid-19. Họ không thể phát hiện gene virus tạo ra protein gai – loại protein giúp mầm bệnh bám vào các tế bào của cơ thể và phát tán, theo Bloomberg.
Cùng khoảng thời gian đó, các bác sĩ ở khu vực chứng kiến sự gia tăng đột ngột những bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi và đau đầu.
Trước đó, Nam Phi trải qua nhiều tuần bình lặng sau khi làn sóng Covid-19 thứ ba do biến chủng Delta càn quét khắp Johannesburg và thủ đô Pretoria vào tháng 7, bắt đầu hạ nhiệt.
Bất thường
Những diễn biến mới báo hiệu sự khởi đầu của một làn sóng ca nhiễm biến chủng Omicron ở Nam Phi. Nó nhanh chóng trở thành biến chủng thống trị ở nước này và thúc đẩy sự gia tăng đột biến các ca bệnh.
Thông báo ngày 25/11 về phát hiện biến chủng B.1.1.529 mới của Nam Phi – về sau được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron – đã gây ra sự hoảng loạn toàn cầu và thị trường chao đảo, với các nước như Anh, Mỹ nhanh chóng áp lệnh cấm bay với Nam Phi.
Tới ngày 1/12, biến chủng này đã được tìm thấy ở ít nhất 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.
WHO khẳng định Nam Phi và Botswana nên được cảm ơn vì đã công bố nhanh các thông tin về biến chủng mới. Ảnh: AFP.
Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm tư nhân Lancet là những người đầu tiên phát hiện sự bất thường trong các mẫu xét nghiệm, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi Glenda Gray cho hay.
“Họ không biết điều gì đã xảy ra nên đã báo cho các nhà virus học, những người bắt đầu giải trình tự các mẫu xét nghiệm”, bà Gray nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 29/11.
Nhà khoa học Alicia Vermeulen của phòng thí nghiệm Lancet được ghi nhận là người đưa ra phát hiện ban đầu vào chiều 4/11 khi bà nhận thấy sự bất thường trong một xét nghiệm dương tính và báo với cấp trên, theo News24 – trang tin tức của Nam Phi.
Trong tuần tiếp theo, các nhà khoa học nhiều lần phát hiện những điểm bất thường tương tự và báo cáo diễn biến tới bà Allison Glass, người đứng đầu bộ phận bệnh học phân tử tại Lancet và là thành viên Hội đồng Cố vấn Bộ trưởng của chính phủ Nam Phi về Covid-19.
Cùng với Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Lancet hôm 22/11 đã có thể xác định sự xuất hiện của biến chủng mới, ban đầu được gọi là B.1.1.529, theo News24. Theo đó, các nhà khoa học đã không thể phát hiện gene S vì nó đã đột biến.
Trong khi đó, các nhà khoa học ở Botswana cũng phát hiện những điều bất thường tương tự trong mẫu xét nghiệm của các du khách vào đầu tháng 11. Và điều khác thường cũng xuất hiện trong mẫu lấy từ một người trở về Hong Kong từ Nam Phi và đang bị cách ly.
Dữ liệu đã được tải lên GISAID – một kho lưu trữ toàn cầu – và nhanh chóng bị rò rỉ. Đến ngày 24/11, những báo cáo ban đầu về biến chủng mới đã nổi lên trên các phương tiện truyền thông của Anh.
Công bố nhanh chóng và minh bạch
Nicholas Crisp, người đứng đầu Bộ Y tế Nam Phi, cho biết ông được thông báo về biến chủng mới lần đầu tiên vào tối 24/11. Các quan chức chính phủ chủ chốt khác nhận báo cáo vào đầu ngày hôm sau và một cuộc họp báo đã được triệu tập gấp rút.
Tại cuộc họp báo, ông Tulio de Oliveira, người đứng đầu hai viện giải trình tự gene ở Nam Phi, đã công bố phát hiện biến chủng mới.
Tới nay, các bác sĩ nói rằng biến chủng Omicron dường như chỉ gây ra triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, với sự bùng phát ban đầu được ghi nhận ở một nhóm sinh viên đại học trẻ tuổi, khó có thể khẳng định tác động của biến chủng này gây nguy cơ tới mức độ nào khi nhóm dân số lớn tuổi hơn và dễ bị tổn thương hơn mắc bệnh.
“Bất cứ điều gì tôi nói với quý vị hôm nay có thể không còn đúng vào ngày mai”, bà Gray nói.
WHO đã cảnh báo về khả năng ca nhiễm Covdi-19 tăng vọt với “hậu quả nghiêm trọng” do biến chủng Omicron. Các đột biến của Omicton cho thấy nó có thể dễ lây lan hơn và có khả năng né tránh khả năng miễn dịch do tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh trước đó.
Tốc độ phát hiện biến chủng đã minh chứng cho khả năng giải trình tự gene của Nam Phi vốn được xây dựng với sự hỗ trợ từ tiền nghiên cứu vốn dành cho hoạt động giải quyết các căn bệnh khác. Đất nước này có số người nhiễm HIV lớn nhất trên thế giới và cũng bị dịch lao phổi tàn phá nặng nề.
“Nam Phi có một số chuyên gia virus học và giải trình tự gene đẳng cấp thế giới”, bà Grey nói. “Tất cả đã chuyển sang lĩnh vực Covid-19”.
Du khách đợi xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Cape Town, Nam Phi hôm 29/11. Ảnh: AFP. |
Những diễn biến theo sau sự công bố của Nam Phi về phát hiện biến chủng Omicron đã gây nhiều tranh cãi. Lệnh cấm bay từ nhiều nước nhanh chóng được áp đặt ngay khi mùa nghỉ hè quan trọng với ngành du lịch Nam Phi bắt đầu và đe dọa sẽ làm trật bánh các nỗ lực tái thiết nền kinh tế bị suy giảm mạnh nhất trong gần ba thập kỷ qua vào năm 2020.
Trong khi WHO khẳng định Nam Phi và Botswana nên được cảm ơn vì đã công bố nhanh các thông tin về biến chủng mới, thay vào đó phản ứng của các nước giống như một sự trừng phạt.
“Các nhà khoa học của chúng tôi đã làm những gì họ phải làm, họ đã hành động theo đúng chuẩn mực đạo đức”, bà Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi cho biết. “Vậy mà giờ đây chúng tôi bị phản ứng như tội đồ của cộng đồng du lịch toàn cầu”.
Nguồn: Zing