Các tác động kéo dài
Cụ thể, một nghiên cứu của các chuyên gia y tế ở Bắc Kinh và Vũ Hán đã tập trung vào các bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 và kết luận rằng những người này cần được hỗ trợ lâu dài, kể cả sau khi được xác nhận khỏi bệnh.
Để thực hiện nghiên cứu, các bệnh nhân (có độ tuổi trung bình là 59) đã trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe trong phòng thí nghiệm và kiểm tra đi bộ trong sáu phút để đánh giá sức chịu đựng sau khi được xác nhận khỏi COVID-19.
Theo báo cáo, sau 12 tháng khỏi bệnh có 20% số bệnh nhân vẫn gặp phải các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi hoặc yếu cơ, 17% khó ngủ và 11% bị rụng tóc.
Cũng sau một năm, cứ 10 người được chữa khỏi COVID-19 thì có ba người vẫn bị hụt hơi. Tỉ lệ lo âu hoặc trầm cảm ở những người này cũng tăng lên. Ngoài ra, có 4% số bệnh nhân bị rối loạn khứu giác.
Tình trạng khó vận chuyển oxy vào máu trong túi khí của phổi đã xảy ra ở 20 đến 30% số bệnh nhân từng mắc COVID-19 nhưng không trở nặng. Con số này đã tăng lên 54% đối với những bệnh nhân phải dùng đến máy thở trong thời gian nằm viện.
"Mặc dù hầu hết đã hồi phục tốt, nhưng các vấn đề sức khỏe vẫn tiếp diễn ở một số bệnh nhân, đặc biệt là những người bị ốm nặng trong thời gian nằm viện" - Bác sĩ Cao Bin từ Trung tâm Y học Hô hấp Quốc gia tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật cho biết.
"Quá trình hồi phục của một số bệnh nhân sẽ mất hơn một năm và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau đại dịch cần lưu ý trường hợp này" - BS Bin nói thêm.
Cần các giải pháp cụ thể hơn
Các tác giả kêu gọi thực hiện các nghiên cứu sâu rộng hơn để hiểu những hậu quả lâu dài của căn bệnh này và hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn cho những người sống sót sau đại dịch.
Một bài xã luận trên chuyên trang y khoa The Lancet đã mô tả COVID-19 là "một thách thức y tế hiện đại".
Theo The Lancet, hiện chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là hoàn toàn hiệu quả đối với COVID-19, cũng như chưa có một hướng dẫn phục hồi chức năng cụ thể cho các bệnh nhân. Các tác động dai dẳng của dịch bệnh ảnh hưởng khả năng tiếp tục cuộc sống bình thường và khả năng làm việc của mọi người. Nó cũng tạo ra gánh nặng cho xã hội, gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.
"Việc thiếu sự công nhận rằng COVID-19 là một vấn đề sức khỏe lâu dài, cũng như chưa có các lộ trình chuyển tuyến rõ ràng là những vấn đề phổ biến trên toàn thế giới" - The Lancet cho hay, lưu ý rằng chỉ có 0,4% bệnh nhân ở Vũ Hán tham gia vào một chương trình phục hồi chức năng chuyên nghiệp.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 213 triệu người đã bị nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc vào tháng 2 đã phát hành một biểu mẫu thống nhất và chuẩn hóa để các chuyên gia y tế trên toàn thế giới có thể thuận lợi thu thập các thông tin về những tác động lâu dài của COVID-19.
"Điều này sẽ giúp cải thiện sự hiểu biết, giám sát và quản lý lâm sàng về tình trạng bệnh" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Khánh Như
Nguồn: plo.vn