Phát hiện, dựa trên dữ liệu thu thập từ hệ thống y tế Nam Phi, cung cấp bằng chứng dịch tễ học đầu tiên về khả năng lẩn tránh miễn dịch của biến thể Omicron đối với việc nhiễm COVID-19 trước đó.
Nghiên cứu vẫn chưa được bình duyệt, theo Hãng tin AFP.
Theo nghiên cứu, tính tới ngày 27-11, có 35.670 trường hợp nghi tái nhiễm trong số 2,8 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp được coi là tái nhiễm nếu có kết quả dương tính cách nhau 90 ngày.
"Những ca tái nhiễm gần đây xảy ra ở những người từng mắc bệnh trong cả 3 đợt bùng dịch trước đó, trong đó hầu hết là người từng mắc bệnh trong đợt bùng dịch liên quan đến biến thể Delta", bà Juliet Pulliam - giám đốc Trung tâm Phân tích và xây dựng mô hình dịch bệnh DSI-NRF của Nam Phi - cho biết.
Bà Pulliam lưu ý nhóm nghiên cứu không có thông tin về tình trạng tiêm chủng của những bệnh nhân COVID-19 nói trên, do đó không thể đánh giá mức độ lẩn tránh miễn dịch do vắc xin của biến thể Omicron.
Theo AFP, tiếp theo, nhóm khoa học gia Nam Phi dự định sẽ nghiên cứu vấn đề nêu trên.
Ông Michael Head - nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh) - nhận xét nghiên cứu trên có "chất lượng cao". "Phân tích này có vẻ rất đáng lo ngại, do miễn dịch từ lần mắc bệnh trước đó đã dễ dàng bị bỏ qua", ông Head nhận định.
Trước đó, bà Anne von Gottberg - nhà khoa học hàng đầu Nam Phi - dự báo số ca COVID-19 sẽ tăng, song giới chức y tế Nam Phi tin vắc xin vẫn hiệu quả chống lại bệnh nặng.
"Chúng tôi tin số ca bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân tại tất cả tỉnh trên cả nước. Dù vậy, chúng tôi cũng tin vắc xin vẫn sẽ có hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh nặng. Vắc xin đã luôn bảo vệ chúng ta khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong", bà Gottberg nói.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước suy nghĩ lại về các biện pháp cấm đi lại đối với khu vực nam châu Phi, cho rằng biến thể Omicron - hiện được ghi nhận ở gần 20 nước - vẫn chưa rõ nguồn gốc.
"Nam Phi và Botswana đã phát hiện ra biến thể này. Chúng ta không biết nguồn gốc của nó ở đâu. Việc trừng phạt những người đã phát hiện hay báo cáo (về biến thể Omicron) là không công bằng", chuyên gia Ambrose Talisuna của WHO nói.
Theo AFP, giữa tháng 11 vừa qua, Nam Phi ghi nhận khoảng 300 ca COVID-19 trong 24 giờ. Ngày 1-12, nước này ghi nhận 8.561 ca bệnh trong 24 giờ, tăng so với 4.373 ca của ngày trước đó.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online