Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm bộ môn Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không giống như một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai từng mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc không triệu chứng.
Người bị hội chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện các biểu hiện như: khó thở hoặc cảm giác hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt, ảnh hưởng trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ, ho kéo dài, đau ngực, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác, rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác, đau đầu, đau cơ, đau khớp, trầm cảm hoặc lo lắng, sốt...
Ở một số người, tình trạng hậu COVID-19 ảnh hưởng rõ rệt tới các hoạt động trong cuộc sống, ảnh hưởng cả trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, có người từng mắc COVID-19 nặng gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong hời gian dài, kèm theo đó các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Ảnh hưởng đa cơ quan có thể tác động tới nhiều các cơ quan hệ thống trong cơ thể, gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não...
Theo BS Tiến, người bệnh khi thấy những biểu hiện trên sau khi mắc COVID-19 nên tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
"Hiện việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất cho tình trạng này", BS Tiến nói.
Ông cũng cho biết, cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng COVID-19 là phòng ngừa mắc COVID-19. Với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19 thì hãy tiêm vaccine COVID-19 ngay khi có thể, đây là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19.
Phạm Quý
Nguồn: vtc.vn