Ngày càng nhiều nước rút thời gian chờ tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba từ 6 tháng xuống ngắn hơn, nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc biến thể Omicron (lần đầu xác định tại nam châu Phi).

1 Ngay Cang Nhieu Nuoc Rut Ngan Thoi Gian Tiem Lieu Thu 3

Poster kêu gọi người dân tiêm liều thứ ba ở Anh - Ảnh: REUTERS

Ngày 20-12, Hãng tin Reuters cho biết diễn biến mới nói trên phản ánh những bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta - vốn đang thống trị nhiều nơi trên thế giới, và có khả năng lây nhiễm cho người đã tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19.

Dù dữ liệu còn hạn chế, nhưng nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy 2 liều ban đầu có thể không đủ để ngăn nhiễm bệnh, và liều thứ ba có thể tăng hiệu quả bảo vệ hơn.

Nghiên cứu tại nam châu Phi và Anh cho thấy biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh, làm dấy lên nhiều dự đoán về việc Omicron sẽ sớm thay thế Delta ở nhiều nước. Giới khoa học cũng đang cố gắng tìm hiểu về độc lực của Omicron.

Đầu năm 2021, nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã cho phép tiêm liều thứ ba khoảng 6 tháng sau khi tiêm 2 liều ban đầu.

Tuy nhiên, đến tháng 12 này, Hàn Quốc, Anh và Thái Lan đã rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng, trong khi Bỉ rút xuống còn 4 tháng.

Phần Lan khuyến nghị rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng đối với các nhóm có nguy cơ cao. Chính phủ Phần Lan nói họ không tin việc rút ngắn thời gian tiêm chủng với toàn dân số sẽ giúp làm chậm sự gia tăng số ca nhập viện.

Pháp, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan, Ý và Úc cũng giảm thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 5 tháng. Mỹ, Nam Phi và Đức vẫn giữ nguyên 6 tháng.

Cho đến nay, Tây Ban Nha và Lithuania chỉ tiêm liều thứ ba cho người suy giảm miễn dịch, người già hoặc dễ bị tổn thương, trong khi Ấn Độ chưa có kế hoạch tiêm liều thứ ba.

Một số nhà khoa học cho rằng tiêm liều thứ ba quá sớm có thể ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ trong dài hạn của vắc xin, theo Reuters.

Các chuyên gia cho biết cần có thêm dữ liệu, nhưng có nguy cơ việc rút ngắn thời gian có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các vắc xin cần tiêm nhiều liều.

"Nhìn chung đối với các vắc xin cần tiêm nhiều liều, hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn nếu có thời gian để thích ứng", tiến sĩ William Schaffner - chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y Đại học Vanderbilt (Mỹ) - nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC