Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí quốc tế về bệnh truyền nhiễm đầu tuần này củng cố giả thuyết biến thể Omicron không gây nguy hiểm như biến thể Delta.
Nhóm chuyên gia thuộc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) và Đại học Pretoria nghiên cứu 450 hồ sơ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Tshwane thuộc tỉnh Gauteng, nơi đầu tiên bùng phát dịch vì Omicron tại Nam Phi.
Số ca phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) chỉ bằng 1/4 tỉ lệ các đợt trước. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân cũng giảm gần một nửa, từ 9 ngày chỉ còn 4 ngày.
Tỉ lệ tử vong ở nhóm nhập viện chỉ 4,5% so với 21,3% trong đợt bùng dịch do biến thể Delta. Theo Telegraph, điều này cho thấy tỉ lệ tử vong vì Omicron thấp hơn 75% so với biến thể Delta.
Nhóm nghiên cứu tỏ ra lạc quan và tin rằng với những gì đã quan sát được, Omicron có thể là "điềm báo của sự kết thúc những chuỗi ngày đen tối", và sắp có sự tách biệt rõ ràng giữa tỉ lệ tử vong - nhiễm bệnh vì COVID-19.
Về điều này còn nhiều tranh cãi, trong đó có ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng Omicron vẫn gây nguy hiểm cho hệ thống y tế các nước, vì tốc độ lây lan nhanh dẫn tới số ca nhập viện tăng cao.
Nhóm chuyên gia Nam Phi thừa nhận nghiên cứu của họ có thể chưa toàn diện, do nhóm bệnh nhân đa số là người trẻ tuổi.
Tại Tshwane, Omicron thay thế Delta và trở thành biến thể chiếm ưu thế trong vòng 3 tuần. Số ca nhập viện "đạt đỉnh điểm rồi giảm nhanh chóng" trong 33 ngày, và chỉ một nửa số giường bệnh được sử dụng cùng một lúc.
Trong đợt bùng dịch vì Delta, hầu như tất cả các giường bệnh đều đã kín chỗ vào lúc đỉnh điểm, theo Telegraph.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online