Các chuyên gia y tế cho biết, măng rô không phải là một phần của móng tay. Thực chất, chúng là các tế bào da nhỏ, mọc ra ở vị trí cuối móng tay. Đây là khu vực có nhiều dây thần kinh và mạch máu. Xước măng rô xuất hiện khi da tách khỏi bề mặt nhưng chân vẫn bám lại.
Chính vì chỉ là vết xước da nhỏ nên mọi người thường hay chủ quan, dùng tay giật hoặc răng cắn. Đã có nhiều trường hợp phải cầu cứu bác sĩ vì ngón tay sưng tấy, chảy mủ, nhiễm trùng do xử lý vết xước măng rô sai cách.
Chị Đào Hồng Hạnh (27 tuổi, Hà Nội) bị xước măng rô trong lúc làm móng. Chị chủ quan dùng tay giật mạnh khiến vết xước bị chảy máu. 5 ngày sau, ngón tay sưng to, không cử động được, ấn vào chảy nước, có mủ bên trong, chị mới hốt hoảng đi khám. Bác sĩ chẩn đoán, chị bị nhiễm trùng khóe ngón tay, nếu không xử lý vi khuẩn sẽ ăn sâu gây viêm xương.
Ngón tay bị mưng mủ do vết xước măng rô bị viêm nhiễm.
Bác sĩ Phạm Thị Hồng Nhung, bệnh viện Quốc gia Hà Nội trao đổi với Người Đưa Tin, nguyên nhân gây ra hiện tượng xước măng rô do cơ thể thiếu hụt vitamin C và axit folic. Ngoài ra, việc thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa, thói quen cắn móng tay… cũng gây nên tình trạng này.
Bác sĩ Nhung cũng cho biết thêm, nhìn bề ngoài xước măng rô chỉ là sợi da nhỏ, nhưng nếu xử lý không đúng cách, sẽ gây đau đớn. Trường hợp nặng, có thể gây mưng mủ, nhiễm trùng, hoại tử ngón tay, thậm chí nhiễm trùng huyết.
Vết xước măng rô có thể bị viêm nhiễm, sưng tấy, tác động đến dây thần kinh khiến chúng ta có cảm giác đau đơn, khó chịu.
Cách xử lý khi bị xước măng rô
Khi bị xước măng rô, không nên dùng răng cắn bởi hành động này khiến vi khuẩn có trong nước bọt tiếp xúc các mô, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thay vào đó, nếu phát hiện thấy vết xước măng rô, mọi người nên làm theo các bước sau:
– Ngâm tay, chân vào nước ấm để làm mềm da.
– Dùng kìm bấm móng đã được khử trùng bằng cồn loại bỏ các vết xước măng rô.
– Bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh hoặc kem dưỡng chứa cồn nhẹ để giữ ẩm cho da.
– Nên hạn chế tác động vào vùng mới cắt măng rô, tránh làm vi khuẩn từ tay xâm nhập dẫn đến bị sưng tấy hay nhiễm trùng.
– Khi vết xước bị sưng tấy, nó có thể đã bị viêm. Bạn nên băng lại và chú ý theo dõi. Nếu tình trạng không cải thiện, vết sưng lan rộng, đau đớn, bạn nên tới cơ sở y tế để điều trị.
Dùng kìm chuyên dụng đã khử khuẩn để loại bỏ măng rô.
Phòng ngừa xước măng rô
Các bác sĩ khuyến cáo, nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng da bị khô và loại bỏ thói quen cắn móng tay.
Mọi người nên bổ sung các chất giàu vitamin C, thực phẩm giàu acid folic, vitamin E như cam, quýt, rau xanh có màu đậm, đậu nành, cá hồi, các loại hạt…
Khi tay, chân tiếp xúc với hóa chất, nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như găng tay, ủng cao su…
Nguồn: H.H
DKN.TV