Tiểu đường là bệnh lý mạn tính có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, nguy hiểm ở chỗ bệnh diễn biến âm thầm và rất khó phát hiện trong thời gian đầu. Trong đó, khát nước khi bị tiểu đường chính là triệu chứng phổ biến nhất, đi kèm với dấu hiệu khô miệng. Bệnh nhân thường bị khát nước dù đã bổ sung nước nhiều lần trong ngày, uống bao nhiêu cũng thấy không đủ.
Chính vì vậy, uống nước thường xuyên là việc ưu tiên phải làm để ngăn chặn và điều trị bệnh tiểu đường. Bạn cũng cần tăng cường rau xanh và trái cây để giảm khát nước lẫn khô miệng. Ngoài ra, chúng ta hãy học hỏi thêm những biện pháp ngăn chặn tiểu đường từ các quốc gia khác, điển hình là Ấn Độ.
Khát nước là biểu hiện thường thấy của bệnh nhân tiểu đường.
Có thể khẳng định rằng, Ấn Độ là đất nước sử dụng gia vị nhiều nhất thế giới. Họ ứng dụng gia vị để làm tăng hương thơm của món ăn, phục vụ đời sống và dùng như một phương thuốc để chữa bệnh. Một trong số đó phải kể đến quế - một loại gia vị quen thuộc trong các vị thuốc và dùng để tẩm ướp thực phẩm.
Lợi ích của quế - Vừa rẻ tiền còn ngừa tiểu đường
Quế là phần thu được từ lớp vỏ - thân - cành của một số loài thực vật thuộc chi Cinnamomum. Chúng có vị cay, mùi thơm được dùng để làm thuốc trong Đông y và gia vị trong chế biến thực phẩm. Người ta thường bóc vỏ (nhục quế) hoặc xay ra thành bột cho dễ bảo quản và giúp món ăn dậy mùi hơn.
Trong Tây y, quế giúp kích thích tuần hoàn máu và tăng cường hô hấp. Nó còn làm co mạch, tăng bài tiết và tăng nhu động ruột giúp đào thải độc tố hiệu quả. Còn trong Đông y, quế là vị thuốc giúp chữa đau mắt, ho hen, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh. Đặc biệt nhất là tính chất đặc trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Quế là loại gia vị thường dùng để nấu ăn, thậm chí giúp điều trị tiểu đường.
Cụ thể, một nghiên cứu trên tạp chí Diabetes Care cho thấy, quế chứa các đặc tính kháng sinh, chống viêm, chống oxy hóa mạnh và giảm tốc độ glucose xâm nhập vào cơ thể. Những yếu tố này còn đóng vai trò thúc đẩy tiêu hóa, giúp thải lượng đường dư thừa ra ngoài để duy trì lượng đường trong máu, nhờ vậy mà phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chứng minh những người dùng vỏ quế thường xuyên sẽ giảm cholesterol và lượng đường trong máu, đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2. Đây cũng chính là lý do mà người Ấn Độ thường sử dụng quế trong bữa cơm, hoặc pha với nước sôi và uống hàng ngày.
Ngoài ra, quế còn có một số lợi ích đặc trưng như sau:
- Chống cảm lạnh, đầy hơi
Nhờ đặc tính chống oxy hóa, quế sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm sạch đường hô hấp, nhờ vậy mà chống lại cảm lạnh hiệu quả. Chưa kể chất chống oxy hóa của quế còn làm giảm đáng kể chứng đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy nếu bạn sử dụng dưới dạng trà thảo mộc.
- Hỗ trợ giảm cân
Quế giúp thanh lọc hệ tiêu hóa và thúc đẩy quá trình giảm cân. Ngoài ra, quế cũng làm tăng tốc độ trao đổi chất nên giúp đốt cháy lượng calo dư thừa, từ đó giảm mỡ hiệu quả. Dùng trà quế còn mang lại cảm giác no nhanh, do đó làm giảm calo nạp vào cơ thể hàng ngày một cách tự nhiên.
- Chống lão hóa, thư giãn cơ bắp
Từ lâu, quế đã nổi tiếng với đặc tính chống lão hóa do chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là tanin. Những chất này giúp cơ thể chống lại các gốc tự do gây ra sự lão hóa của tế bào như ô nhiễm. Ngoài ra, quế còn sở hữu khả năng chống viêm và giảm đau mạnh mẽ, nhờ vậy mà giúp cơ bắp thư giãn sau khi tập luyện thể thao hoặc hoạt động nặng.
- Giảm đau kinh nguyệt ở phụ nữ
Quế có đặc tính chống co thắt, làm loãng máu và chống viêm… Do đó quế có thể làm giảm cơn đau trong thời kỳ kinh nguyệt. Để tận hưởng những lợi ích của nó, chỉ cần uống vài tách trà quế hàng ngày.
Những lưu ý khi sử dụng quế
Theo các chuyên gia, bạn có thể dùng quế pha với nước sôi, ngâm 5 phút và uống hàng ngày để nâng cao sức khỏe. Một miếng quế có thể pha 2-3 lần nước, nếu loại tốt có thể pha tới 5-6 lần nước. Nếu khó uống, bạn hãy thêm chanh hoặc mật ong để nước thơm hơn.
Bạn nên bảo quản quế ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh nhiệt độ cao và độ ẩm. Để phòng ngừa tiểu đường, bạn hãy uống nước quế vào mỗi sáng và uống khi bụng đói. Nếu dùng bột quế thì tuyệt đối không sử dụng quá nhiều, chúng sẽ bay vào mũi gây ngạt thở, viêm và bỏng đường hô hấp.
Theo Trí Thức Trẻ