Virus Marburg lần đầu tiên xuất hiện ở Tây Phi được cho là có liên quan đến virus gây dịch Ebola (Ảnh minh họa: Getty).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/8 cho biết, ca bệnh nhiễm virus Marburg đầu tiên ở Tây Phi là một người đàn ông ở Gueckedou, đông nam Guinea. Bệnh nhân đã tử vong hôm 2/8 và kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy có virus Marburg.
Ngay lập tức, giới chức y tế đã cách ly và theo dõi chặt chẽ ít nhất 155 trường hợp có thể đã tiếp xúc gần với nam bệnh nhân, trong đó có 3 thành viên gia đình bệnh nhân, một nhân viên y tế.
Ông Georges Ki-Zerbo, người đứng đầu văn phòng của WHO tại Guinea, cho biết: "Hiện chưa ghi nhận ca F1 chuyển thành F0. Công tác truy vết đã được tiến hành khẩn trương, hiện 155 người đang được cách ly, theo dõi y tế chặt chẽ trong vòng 3 tuần". Theo đó, những người này được cách ly tại nhà, không tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình và được chuyên gia y tế theo dõi triệu chứng hàng ngày.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cảnh báo: "Nguy cơ Marburg lây lan rộng đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải ngăn chặn nó đúng hướng. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan y tế để phản ứng nhanh với Marburg dựa trên kinh nghiệm và chuyên của Guinea trong việc kiểm soát Ebola". WHO đã điều 10 chuyên gia tới Guinea để hỗ trợ đánh giá rủi ro và giám sát mầm bệnh.
Ông Ki-Zerbo tin rằng, Guinea có thể đối phó với Marburg tốt hơn so với khi Ebola bùng phát vào năm 2014. Việc phát hiện ca nhiễm Marburg cũng cho thấy năng lực của hệ thống y tế Guinea đã có sự cải thiện. Ông cũng nhấn mạnh: "Phương thức đối phó với Marburg cũng giống như đối phó Ebola. Điều khác biệt duy nhất là hiện chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị cho loại virus này".
Virus Marburg xuất hiện lần đầu vào năm 1967, nhưng chưa từng xuất hiện ở Tây Phi. Theo WHO, virus Marburg được tìm thấy ở dơi và được cho là có mối liên hệ với virus Ebola, có thể lây từ động vật sang người như virus SARS-CoV-2. Người nhiễm virus Marburg thường có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu.
Virus Marburg có thể gây tỷ lệ tử vong lên đến 88%. Hiện chưa có vắc xin và thuốc kháng virus đặc trị nào dành cho virus Marburg được thông qua, nhưng việc điều trị thông qua bù nước bằng đường uống và truyền tĩnh mạch kết hợp điều trị các triệu chứng có thể sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót.
Tây Phi là khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Ebola trong giai đoạn 2014 - 2016, khiến hơn 11.300 người thiệt mạng. Ebola bùng phát trở lại ở khu vực này trong khoảng thời gian ngắn đầu năm nay. Tuy nhiên, Guinea đã tuyên bố hết đợt dịch thứ hai cách đây hai tháng sau đợt bùng phát khiến 12 người tử vong.
Minh Phương
Theo Reuters, Metro
Nguồn: Báo điện tử Dân trí