Tuy nhiên, theo bác sĩ Paul Offit (bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ), đây là một ý tưởng ngớ ngẩn. Đồng quan điểm, bác sĩ Robert Murphy (trường Dược Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ) cho biết: “Thật điên rồ nếu bạn chủ động nhiễm loại virus này. Nó chẳng khác nào chơi với thuốc nổ.”
Ảnh minh họa: Reuters.
COVID-19 không phải “cảm lạnh”
Theo bác sĩ Murphy, tình trạng sốt cao, đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết, đau họng và nghẹt mũi nặng thường được ghi nhận ngay cả trong những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ của biến thể Omicron. Những triệu chứng này có thể khiến người bệnh bị suy nhược trong nhiều ngày.
“Nhiều người đang cho rằng nhiễm Omicron giống như bị cảm lạnh. Tôi nhắc lại, nó không phải đơn thuần là một trận cảm lạnh tồi tệ. Nó là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng”, ông Murphy nói.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ được tiến hành trên 1 triệu người cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 nặng cao hơn ở những người đã tiêm chủng từ 65 tuổi trở lên, những người suy giảm miễn dịch, hoặc có ít nhất 1 trong các bệnh nền như tiểu đường, bệnh thận mãn tính, bệnh lý tim, phổi, thần kinh hoặc gan.
Tuy nhiên, ngay cả những người không có bất cứ bệnh lý tiềm ẩn nào cũng có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19. Bác sĩ Murphy cho biết: “Tôi có một bệnh nhân đã tiêm đủ liều vắc xin và cả liều tăng cường, hơn 65 tuổi và không có bệnh nền, nhưng đang phải nằm viện với tình trạng rất tệ.”
“Đúng là nếu bạn nhiễm biến thể Omicron, trái với Delta, bạn sẽ có ít nguy cơ phải nhập viện hơn, ít có nguy cơ phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), phải dùng máy thở và tử vong.
Điều đó đúng với tất cả các nhóm tuổi”, bác sĩ Paul Offit nói. “Nhưng không có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong bằng 0%.”
COVID-19 có thể để lại di chứng lâu dài
Mất khứu giác, vị giác đã trở thành một trong những triệu chứng phổ biến của các ca COVID-19 thể nhẹ. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 80% số bệnh nhân sẽ phục hồi khả năng nếm, ngửi trong vòng một tháng hoặc lâu hơn. Nhưng cũng có những người không thể lấy lại khứu giác, vị giác trong suốt 6 tháng. Một số người không may mắn thậm chí có thể mất 2 giác quan này mãi mãi.
Thực tế, đây chỉ là một trong số những mối lo ngại về di chứng kéo dài hậu COVID-19, còn được gọi là “long COVID”. Hiện tượng này còn có thể bao gồm các triệu chứng suy nhược như khó thở, mệt mỏi, sốt, chóng mặt, tiêu chảy, tim đập nhanh, đau cơ, thay đổi tâm trạng, khó ngủ.
Một số người sau khi mắc COVID-19 có thể sẽ mất mùi và vị mãi mãi. Ảnh: Reuters
Các di chứng “long COVID” nghiêm trọng có thể gây tổn thương phổi, tim, thận, sức khỏe tâm thần, và thậm chí được coi là một dạng khuyết tật theo Đạo luật Người khuyết tật Mỹ và các đạo luật khác của liên bang.
“Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu về “long COVID”. Vì chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ nó, nên chắc chắn tôi sẽ không mong muốn mình nhiễm loại virus này”, bác sĩ Paul Offit nói.
Nguy cơ lây bệnh cho trẻ em
Theo CDC Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin ở độ tuổi từ 12 đến 17 hiện mới đạt 54%. Chỉ 23% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm liều vắc xin đầu tiên. Trong khi đó, liều tăng cường - được coi là chiến binh chủ chốt trong cuộc chiến chống lại Omicron - vừa được CDC Mỹ phê duyệt cho trẻ từ 12 tuổi vào tuần trước.
Điều đó có nghĩa là bất kỳ hành vi nào dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm Omicron như không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, tụ tập đông người (đặc biệt là không gian trong nhà)… đều có thể khiến người lớn mang virus về nhà và lây cho trẻ em.
Dữ liệu từ Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cho thấy xu hướng gia tăng số ca bệnh là trẻ em đang vượt qua mức đỉnh trước đó.
“Trong vòng một tuần trước ngày 6/1, hơn 580.000 trẻ em đã mắc COVID-19”, theo số liệu được công bố hôm 10/1 bởi AAP. “Con số này tăng 78% so với một tuần trước đó (325.000 ca bệnh trẻ em), và tăng gần gấp 3 lần so với 2 tuần trước đó.”
Trẻ em nhiễm COVID-19 thường chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đang khiến số trẻ em dưới 18 tuổi phải nhập viện tăng lên mức kỷ lục.
Giám đốc CDC Mỹ - Rochelle Walensky - cho biết: “Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em là cho các em tiêm chủng nếu đủ điều kiện, hoặc bao bọc các em giữa những người đã được tiêm chủng.”
Gia tăng áp lực lên hệ thống y tế
“Bằng cách cố tình nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, bạn sẽ góp phần kéo dài đại dịch và làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế”, bác sĩ Murphy nói.
Cuối tuần trước, gần 25% trong số hơn 5.000 bệnh viện đã báo cáo với Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ về tình trạng “thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng”. Con số này lớn hơn bất cứ thời điểm nào khác trong đại dịch.
Tình trạng thiếu nhân lực dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng do các nhân viên y tế tuyến đầu nhiễm virus hoặc buộc phải cách ly sau khi tiếp xúc với ca bệnh. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 phải nhập viện ở Mỹ đã lập kỷ lục vào ngày 10/1 với 136.604 bệnh nhân.
Hiện tại, các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trên toàn nước Mỹ đã kín tới 80% số giường, 30% trong đó được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
'Không nên đùa với Mẹ Thiên nhiên'
Cố ý nhiễm bệnh chưa bao giờ là một ý tưởng hay. Một số người có thể sẽ nhớ lại việc các bậc phụ huynh từng tổ chức “tiệc thủy đậu”, để các con của mình tiếp xúc với một đứa trẻ mắc thủy đậu và lây bệnh. Vì người lớn nhiễm thủy đậu thường bị nặng hơn, nên họ muốn cho các con của mình bị bệnh từ khi còn nhỏ để sớm miễn dịch.
Bác sĩ Paul Offit cho biết ông từng tham gia thực hiện một bộ phim về vắc xin nhiều năm trước. Trong đó, nhân viên quay phim tiết lộ rằng chị gái anh từng đưa con đến dự “tiệc thủy đậu”. Nhưng tiếc thay, đứa trẻ này đã qua đời sau đó vì biến chứng do thủy đậu.
“Đừng bao giờ đùa với Mẹ Thiên nhiên”, bác sĩ Offit nói.
Minh Hạnh (Theo CNN)
Nguồn: tienphong.vn