Đeo khẩu trang giúp giữ an toàn cho bạn và những người khác. Nó giúp ngăn các giọt bắn đường hô hấp khi ai đó nói, cười, ho hoặc hắt hơi. Khẩu trang hoặc khăn che mặt đặc biệt hữu ích khi bạn ở gần những người khác và khó có thể duy trì khoảng cách về thể chất, chẳng hạn như trên phương tiện giao thông công cộng, trong cửa hàng hoặc trong môi trường chật hẹp, đông đúc khác.
Mặc dù đeo khẩu trang có thể làm giảm nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng nếu đeo sai cách, bạn sẽ làm giảm hiệu quả hoặc thậm chí không đạt được lợi ích gì từ việc đeo khẩu trang. Dưới đây là những điều nên và không nên làm khi đeo khẩu trang mà các chuyên gia y tế đã khuyến cáo.
KHÔNG NÊN: Đeo khẩu trang bên dưới mũi của bạn.
KHÔNG NÊN: Để cằm lộ ra ngoài.
KHÔNG NÊN: Đeo khẩu trang lỏng lẻo với các khoảng trống ở hai bên.
KHÔNG NÊN: Đeo khẩu trang mà chỉ che đến đầu mũi của bạn.
KHÔNG NÊN: Đẩy khẩu trang của bạn xuống dưới cằm và để nó ở trên cổ của bạn.
NÊN: Đeo khẩu trang lên đến gần sống mũi và xuống dưới cằm. Cố gắng thắt chặt phần dây đeo của khẩu trang để nó ôm sát khuôn mặt của bạn, che kín mũi, miệng và không có khe hở giữa mặt và khẩu trang.
Khi bạn đã tìm ra vị trí chính xác để đeo khẩu trang, hãy làm theo các mẹo sau để giữ an toàn:
- Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn trước và sau khi đeo khẩu trang cũng như sau khi vứt bỏ. Sau đó lau tay khô hoàn toàn.
- Không chạm vào mặt trước của khẩu trang khi bạn đeo hoặc tháo nó ra.
- Đối với cư dân trong căn hộ, hãy luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và tháo ra khi ở trong nhà. Thang máy và cầu thang bộ có thể là những khu vực có độ lây nhiễm cao.
- Giặt và làm khô khẩu trang vải hàng ngày và để nơi khô ráo, sạch sẽ.
- Không nên di chuyển khẩu trang trong quá trình sử dụng.
- Thay khẩu trang nếu nó bị ẩm, bị hỏng hoặc bị bẩn.
- Vứt bỏ khẩu trang vào thùng có nắp đậy kín hoặc cho vào túi và niêm phong trước khi bỏ vào thùng rác.
Khẩu trang có khả năng bảo vệ hiệu quả và hoạt động tốt hơn khi kết hợp với rửa tay và giữ khoảng cách xã hội cũng như các biện pháp phòng ngừa khác. Tiến sĩ Siddhartha Mukherjee, trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Columbia cho biết: “Không phải cái này loại trừ cái kia. Chúng kết hợp với nhau để tạo nên chuỗi biện pháp toàn diện”.
CTV Lương Trâm (Biên dịch)
Theo The New York Times
Nguồn: vov.vn