Đã hơn 2 năm thế giới chịu sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Trong những tuần gần đây, diễn biến dịch tại hầu hết các nước trên thế giới có chiều hướng cải thiện đáng kể về tỉ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong.

1 Nhung Manh Moi Ve Cach Thuc Dai Dich Covid 19 Co The Ket Thuc

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Úc - Ảnh: AFP

Điều này dường như báo hiệu cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang hạ nhiệt. Giới chuyên gia đã dẫn chứng một số dịch bệnh trước đây, qua đó cung cấp manh mối để biết được đại dịch COVID-19 kết thúc thế nào.

Chuyên gia nghiên cứu Erica Charters thuộc Đại học Oxford cho biết giới khoa học đã không nghiên cứu kỹ sự kết thúc của các dịch bệnh trước đây cũng như quá trình khởi phát của chúng. Theo bà Charters, sự kết thúc của một đại dịch là quá trình lâu dài và có khả năng không thể chấm dứt hoàn toàn ở cùng một thời điểm. 

Những kịch bản kết thúc đại dịch bao gồm: "kết thúc về mặt y tế" khi dịch bệnh suy giảm, "kết thúc về mặt chính trị" khi các chính phủ dỡ bỏ biện pháp phòng dịch và "kết thúc về mặt xã hội" khi mọi người thay đổi nhận thức về dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 đã bùng phát và lây lan trên toàn cầu và diễn biến khác nhau ở các khu vực khác nhau. Ví dụ như Mỹ, ít nhất có lý do tin rằng dịch bệnh đã gần kết thúc. Khoảng 65% dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vắc xin và khoảng 29% đã tiêm mũi tăng cường. Số ca mắc mới đã giảm trong gần 2 tháng qua với số ca mắc trung bình theo ngày giảm gần 30%. 

Quy định đeo khẩu trang cũng đã dần được gỡ bỏ tại một số địa phương. Mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng đã đến lúc người dân quay trở lại văn phòng và hoạt động xã hội như trước đại dịch.

Hãy cùng điểm lại một số dịch bệnh trước đây và cách chúng kết thúc:

* Cúm mùa

Trước đại dịch COVID-19, cúm được coi là đại dịch khiến nhiều người tử vong nhất trên thế giới. Các nhà sử học ước tính đại dịch cúm năm 1918 - 1919 đã khiến 50 triệu người trên toàn thế giới tử vong, trong đó có 675.000 người Mỹ. Đại dịch cúm năm 1957 - 1958 đã khiến khoảng 116.000 người Mỹ thiệt mạng. Sau đó, đến năm 1968, 100.000 người đã tử vong vì dịch bệnh này.

Vào năm 2009, đợt bùng phát cúm mới đã gây ra một đại dịch khác, nhưng đợt dịch này không nguy hiểm đối với người cao tuổi - nhóm có tỉ lệ tử vong cao nhất. Gần 13.000 người ở Mỹ đã tử vong trong đại dịch này.

Đến tháng 8-2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bệnh cúm đã chuyển sang giai đoạn hậu đại dịch khi ca bệnh và các đợt bùng phát chỉ còn diễn ra theo mùa. Trong mỗi đợt bùng phát, đại dịch đã suy yếu theo thời gian và phần lớn dân số đã hình thành khả năng miễn dịch. Các đợt dịch này trở thành bệnh cúm theo mùa trong những năm sau đó. 

Các chuyên gia dự đoán đại dịch COVID-19 nhiều khả năng cũng xảy ra tương tự như mô hình này của cúm mùa. Ông Matthew Ferrari, giám đốc Trung tâm Động lực học bệnh truyền nhiễm bang Pennsylvania, nhận định COVID-19 sẽ trở thành bệnh thông thường. Mô hình dịch bệnh sẽ biến chuyển một cách đều đặn trong năm, có thời điểm ghi nhận nhiều ca nhiễm, có thời điểm ghi nhận ít ca mắc hơn, giống như bệnh cúm mùa hoặc cảm lạnh thông thường.

* HIV

Năm 1981, giới chức y tế Mỹ thông báo loạt trường hợp bị tổn thương giống như bệnh ung thư và viêm phổi ở những người đồng tính nam vốn khỏe mạnh ở California và New York. Số ca mắc những triệu chứng này ngày càng nhiều và một năm sau đó, giới chức y tế gọi căn bệnh đó là AIDS do hội chứng suy giảm miễn dịch gây ra.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hội chứng này do HIV - loại virus suy giảm miễn dịch ở người - gây ra, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh bằng cách phá hủy các tế bào ngăn chặn bệnh và tình trạng nhiễm trùng. Trong nhiều năm, AIDS vẫn được coi là một "bản án tử hình" đáng sợ. Đến năm 1994, HIV trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người Mỹ trong độ tuổi từ 25 đến 44 tuổi.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị HIV có sẵn vào những năm 1990 đã biến bệnh này trở thành một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được đối với hầu hết người Mỹ. Song, tại châu Phi và các khu vực khác trên thế giới, HIV chưa được kiểm soát và tình trạng khẩn cấp vẫn đang diễn ra. Bà Charters cho rằng các đại dịch không chấm dứt hoàn toàn khi một số khu vực trên toàn cầu vẫn ghi nhận các đợt bùng phát dịch.

* Zika

Năm 2015, Brazil đã chứng kiến đợt bùng dịch do virus Zika gây ra. Bệnh này lây lan qua muỗi Aedes và có xu hướng chỉ gây bệnh nhẹ cho hầu hết người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, Zika đã trở thành nỗi kinh hoàng khi một số nghiên cứu chỉ ra rằng thai phụ nhiễm virus Zika trong thời gian mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Đến cuối năm đó, virus Zika đã lan rộng khắp các nước Mỹ Latin khác. Năm 2016, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên toàn cầu. Dịch bệnh này sau đó đã gây tác động rõ ràng đến Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ghi nhận 224 trường hợp nhiễm virus Zika ở lục địa Mỹ và trên 36.000 trường hợp ở các vùng lãnh thổ nước này, phần lớn ở Puerto Rico.

Năm 2017, số ca nhiễm đã giảm đáng kể và dịch bệnh hầu như biến mất ngay sau đó. Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh đã bị "xóa sổ" khi con người hình thành khả năng miễn dịch. Tiến sĩ Denise Jamieson, cựu quan chức CDC, nhận định virus gần như sắp biến mất và áp lực đối với việc cung cấp vắc xin Zika ở Mỹ cũng đã giảm bớt.

Giới khoa học cho rằng nhiều khả năng virus Zika sẽ không bùng phát trong nhiều năm. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể tái xuất hiện nếu virus tiếp tục đột biến hoặc ngày càng có nhiều người trẻ tuổi chưa có khả năng miễn dịch.

* COVID-19

Hai năm trước, vào ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. WHO cho biết khi các quốc gia chứng kiến số ca mắc, hoặc ít nhất là số ca nhập viện và tử vong suy giảm, họ sẽ tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp này. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa đưa ra tiêu chí cụ thể.

Trong tuần trước, các ca mắc ở Mỹ đã giảm dần và số ca mắc trên toàn cầu đã giảm 5%. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng, bao gồm Anh, New Zealand và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Tiến sĩ Carissa Etienne, giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), cho biết người dân ở nhiều quốc gia vẫn đang thiếu vắc xin và thuốc điều trị. Riêng ở khu vực Mỹ Latin và Caribe, hơn 248 triệu người chưa được tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên. Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp có khả năng sẽ chứng kiến làn sóng ca mắc, nhập viện và tử vong gia tăng trong tương lai.

Trong khi đó, tiến sĩ Ciro Ugarte, giám đốc về tình trạng y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế liên Mỹ, nhấn mạnh con người vẫn chưa thoát khỏi đại dịch này và cần tiếp cận đại dịch này một cách thận trọng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC