Trong những ngày qua, đã có thêm nhiều quốc gia thông báo tạm dừng các chuyến bay tới Nam Phi và một số nước láng giềng của họ để phòng nguy cơ từ biến thể mới Omicron khiến dư luận có những hoang mang, lo lắng nhất định.

1 Omicron   Than Trong Va Cho Doi

Dĩ nhiên, chính quyền các nước có những căn cứ nhất định và cả tâm thế "cẩn thận không bao giờ là thừa" trước một nguy cơ chưa hiểu rõ khi đưa ra quyết định đó. Song sự thận trọng này cần được hiểu ở mức độ nào để tránh hoang mang thái quá, không cần thiết.

Các biến thể virus sẽ xuất hiện khi trong bộ gene chúng được virus "cha mẹ" truyền lại mang theo những đột biến tạo ra các protein mới. Bộ gene của virus cũng giống như bộ gene của con người, nằm trên nhiễm sắc thể và chứa tất cả các thông tin di truyền để mã hóa những protein cần cho virus, giúp nó xâm nhập vào cơ thể người, phát triển và lây lan. 

Trong số các protein của virus như Spike (S), Nucleocapsid (N), Membrane (M), Envelope (E), người ta nhắc rất nhiều tới protein S, loại protein có trên vỏ màng virus, vì protein này đóng vai trò quan trọng trong việc virus xâm nhập vào tế bào và hầu hết các vắc xin hiện nay sử dụng protein này làm kháng nguyên chính để dạy hệ miễn dịch nhận biết virus thật.

Các đột biến có thể xảy ra ở mọi vị trí trong bộ gene của virus, nhưng như đã nói ở trên, khi đột biến tạo ra protein mới, nó sẽ tạo ra biến thể mới. 

Không phải biến thể nào cũng nguy hiểm, song các biến thể nguy hiểm thường là những chủng chứa các đột biến ở vùng cấu tạo nên cái gai (spike) trên màng tế bào, tức là protein S. Bởi lẽ, việc thay đổi protein S của virus sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng hệ miễn dịch nhận diện ra nó.

Hầu hết các vắc xin COVID-19 hiện nay đều được phát triển theo nguyên lý để nhận diện và phát hiện protein S của SARS-CoV-2, từ đó tạo ra kháng thể gắn kết với protein này trước khi virus tiếp cận màng tế bào và ngăn nó xâm nhập cơ thể. 

Do đó, khi virus đột biến và thay đổi protein S, cũng giống như khi nó làm "giải phẫu thẩm mỹ", nó vẫn là nó nhưng lại khó bị phát hiện hơn và có thể tăng khả năng trốn thoát hệ miễn dịch do vắc xin tạo ra.

Nhân đây cũng nói thêm là biến thể gây lo ngại nhất hiện nay của SARS-CoV-2 là Delta, nhưng hệ miễn dịch do các vắc xin tạo ra vẫn còn nhận diện được nó, dù không hiệu quả như với chủng gốc, nên vắc xin vẫn còn tác dụng bảo vệ.

Chúng ta còn rất nhiều câu hỏi chưa thể biết về Omicron như: biến thể này có kháng các vắc xin COVID-19 hiện nay hay không? Và nếu có thì kháng ở mức nào? Cụ thể là bao nhiêu phần trăm? Hay khả năng kháng vắc xin của nó có mạnh hơn các biến thể khác đã biết như Alpha, Beta, Delta không? 

Omicron có kháng lại với hệ miễn dịch tự nhiên của những người đã từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh không (chúng ta hiểu rằng thường những người đã mắc bệnh COVID-19 và khỏi sẽ có hệ miễn dịch rất mạnh)? Biến thể mới này có lây nhiễm nhanh hơn và có độc hơn chủng Delta (chủng đang lây nhiễm nhanh nhất hiện nay) không?

Cho đến lúc này, giới khoa học vẫn chưa thể trả lời ngay những câu hỏi trên vì còn phải chờ các số liệu thống kê về dịch bệnh và cần phải có thêm thời gian để quan sát, đánh giá.

Nhưng nếu bạn còn nhớ thì biến thể Beta cũng từng xuất hiện lần đầu ở Nam Phi và khi mới xuất hiện người ta cũng rất lo lắng vì chủng này cho thấy chúng có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch rất tốt. Tuy nhiên may mắn là trong thực tế chủng này lây lan yếu, do vậy các ca bệnh chứa chúng cho đến nay còn rất ít so với các chủng khác.

Cần lưu ý là cũng chỉ ngày 26-11 vừa rồi, Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) của Tổ chức Y tế thế giới mới nhóm họp để đánh giá về biến thể này. 

Như vậy, để có được những thông tin cụ thể, chính xác, cũng như đánh giá đúng mức nguy cơ thực tế của biến thể Omicron còn phải chờ thêm một thời gian nữa, có thể là nhiều tuần hoặc nhiều tháng nữa.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC