"Omicron sao chép tốt một cách đáng kinh ngạc, hơn nhiều so với Delta hoặc virus gốc trong mô phế quản. Điều này góp phần tạo lợi thế trong việc lây lan. Nó lưu hành tốt ở cả những người đã tiêm phòng, đặc biệt là người chưa tiêm liều tăng cường", Jeremy Kamil, phó giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Louisiana Health Shreveport, Mỹ, nhận định.
Để nghiên cứu, nhóm chuyên gia thuộc ĐH Hong Kong sử dụng mẫu mô phế quản lấy từ bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và cho chúng lây nhiễm Omicron. Họ nhận thấy sau 24 giờ, biến chủng Omicron sao chép nhanh gấp 70 lần so với Delta.
Nghiên cứu cũng chỉ ra biến chủng mới phát triển chậm hơn 10 lần trong các mô phổi, dấu hiệu cho thấy bệnh bớt nghiêm trọng hơn. Tiến sĩ Michael Chan Chi-wa, người đứng đầu công trình, nhận định cần diễn giải kết quả này một cách thận trọng, bởi triệu chứng sau nhiễm không chỉ được xác định bởi tốc độ nhân lên của virus mà còn bởi phản ứng miễn dịch của người bệnh.
"Bằng cách lây nhiễm cho nhiều người hơn, virus có thể gây nhiều ca nặng và tử vong hơn, dù bản thân độc lực của nó yếu. Kết hợp các nghiên cứu gần đây, chúng tôi nhận thấy Omicron có khả năng trốn thoát một phần miễn dịch từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trong quá khứ. Mối đe dọa tổng thể của virus rất đáng kể", tiến sĩ Chi-wa nói.
Dù phế quản không thuộc đường hô hấp trên, các nhà khoa học nhận định tốc độ nhân lên của Omicron vẫn khiến người bệnh thải ra nhiều virus hơn, dễ lây lan cho người khác. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA, thực hiện ở người nhiễm nCoV không triệu chứng cho thấy cứ 10 người nhiễm Omicron thì 4 người có thể vô tình làm lây lan virus.
Ảnh hiển vi mô phê quản người sau khi nhiễm Omicron, mũi tên màu đỏ chỉ các hạt virus đang nhân lên. Ảnh: HKU
Nhiều nhà khoa học khác cũng chỉ ra Omicron bám vào tế bào dễ dàng hơn, củng cố luận điểm biến chủng này lây lan nhanh hơn so với các chủng virus trước đó.
Omicron xuất hiện lần đầu tại Nam Phi, hiện lan ra 77 quốc gia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cơ quan nhận định biến chủng đang phát triển với tốc độ "chưa từng thấy", song vaccine vẫn giúp hạn chế đáng kể nguy cơ trở nặng và tử vong.
Theo WHO, để đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn cầu và chấm dứt đại dịch trong năm sau, cần có cách tiếp cận ba bước đối với chiến dịch tiêm chủng. Trong đó, người cao tuổi, nhân viên y tế và người có nguy cơ cao tiêm phòng trước. Tiếp đến, cần tiêm vaccine cho toàn bộ người trưởng thành và mở rộng chiến dịch cho trẻ em.
Thục Linh (Theo Reuters, Guardian)
Nguồn: vnexpress.net