Ông Jeremy Farrar - một trong những nhà khoa học hàng đầu Anh - cảnh báo những căng thẳng xã hội trên toàn cầu liên quan đến tình hình dịch COVID-19 hiện nay sẽ rất khó giải quyết.
Theo ông Farrar, ý tưởng đơn giản về việc "thoát khỏi" đại dịch là không thực tế.
"Tôi không nghĩ bạn thức dậy và thấy đại dịch kết thúc. Điều đó không xảy ra như vậy", ông Farrar cho biết trong cuộc họp với Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Anh.
"Sự chuyển tiếp từ giai đoạn cấp tính hiện nay của đại dịch sang một giai đoạn mới chưa biết rõ thật sự khó khăn và gập ghềnh", ông Farrar nói thêm.
Ông Farrar lưu ý trong khi một số người tranh luận rằng đại dịch giờ đã là quá khứ, một số người khác cho rằng COVID-19 còn lâu mới kết thúc. "Do đó những căng thẳng trong xã hội sẽ rất khó để giải quyết", ông Farrar kết luận.
Ngoài ra, như báo Guardian đưa tin, nhà khoa học Farrar cho biết kịch bản có khả năng xảy ra nhất là sẽ có sự chuyển đổi để Omicron trở thành một bệnh đặc hữu do biến thể này gây bệnh ít nặng hơn các biến thể khác. Tuy nhiên, đây không phải là khả năng duy nhất.
Ông Farrar bày tỏ lo lắng khi cho rằng thế giới khi tiếp tục tiến về phía trước trong đại dịch COVID-19 có thể sẽ bỏ qua những kịch bản khác kém tươi sáng hơn. Theo ông Farrar, chính phủ các nước nên chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Người mua sắm tại đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris, Pháp - Ảnh: GETTY IMAGES
WHO: Châu Âu sắp có giai đoạn bình yên kéo dài
Ngày 3-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu có thể sớm bước vào "giai đoạn bình yên kéo dài" nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và đã vào cuối đông.
Ông Hans Kluge - giám đốc WHO tại khu vực châu Âu - cũng cho rằng châu Âu sẽ ở vị thế tốt hơn - vì có miễn dịch nhờ vắc xin COVID-19 hay từng là F0 - để ứng phó với nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch COVID-19 mới, "thậm chí với một biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn" biến thế Omicron.
Ông Kluge lưu ý viễn cảnh lạc quan này sẽ chỉ đúng nếu các quốc gia tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng và tăng cường giám sát để phát hiện các biến thể mới.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết họ sẽ sớm phê duyệt liều tăng cường vắc xin Pfizer cho thiếu niên 16 - 17 tuổi và sẽ nhanh chóng xem xét cho các lứa tuổi nhỏ hơn.
Tháng 10-2021, EMA đã phê duyệt liều tăng cường của vắc xin Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên.
Ông Marco Cavaleri - người đứng đầu chiến lược vắc xin của EMA - nhấn mạnh tiêm chủng, đặc biệt là tiêm tăng cường, "vẫn là cách tốt nhất chống lại việc mắc bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra".
Ông Cavaleri cũng cảnh báo về sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron, song nói thêm rằng "vẫn còn quá sớm để nói các biến thể phụ khác Omicron như thế nào".
Châu Phi đã nhận được nhiều vắc xin COVID-19, song thách thức hiện nay là phải tiêm ngừa đủ nhanh - Ảnh: REUTERS
Châu Phi cần tăng tỉ lệ tiêm ngừa COVID-19 gấp 6 lần
Cùng ngày, WHO cho biết châu Phi phải tăng tỉ lệ tiêm ngừa COVID-19 lên gấp 6 lần để đạt mục tiêu phủ vắc xin cho 70% dân số trước tháng 7-2022.
Văn phòng WHO tại khu vực châu Phi cho biết châu lục này đã nhận "hơn 587 triệu liều vắc xin" nhưng "vẫn đang chật vật để mở rộng triển khai tiêm chủng". Cho tới nay, chỉ 11% dân số châu Phi được chủng ngừa đầy đủ.
Theo Hãng tin AFP, tại một số nước châu Phi như Cộng hòa Congo, chiến dịch tiêm chủng đang đình trệ với một số lượng lớn liều vắc xin sẽ hết hạn trong những tuần tới.
Một điểm sáng là Công ty công nghệ sinh học Afrigen Biologics and Vaccines của Nam Phi đã sản xuất thành công vắc xin COVID-19 theo công nghệ mRNA đầu tiên dựa trên vắc xin COVID-19 của Hãng dược Moderna.
Dự kiến vắc xin của Afrigen sẽ sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng từ tháng 11 tới. Đây là dự án do WHO và sáng kiến COVAX hậu thuẫn.
Từ đầu dịch đến nay, châu Phi đã ghi nhận 10,8 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 239.000 ca tử vong.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online