Toxoplasma gondii không phải là loài ký sinh trùng mới được phát hiện. Loài này vốn được giới khoa học biết đến từ rất lâu, có vật chủ là động vật họ mèo và là nguyên nhân chính gây bệnh Toxoplasmosis ở người.
Ký sinh trùng Toxoplasma gondii lây lan khi tiếp xúc với phân mèo bị nhiễm bệnh, qua thức ăn bị ô nhiễm hoặc quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh.
Những biểu hiện phổ biến khi nhiễm Toxoplasma gondii và mắc Toxoplasmosis là nhiễm trùng mắt, đau nhức mỏi cơ, tổn thương hệ thần kinh và một số bộ phận khác. Bệnh này đặc biệt nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch kém như HIV/AIDS.
Ký sinh trùng này cũng có liên quan đến một loạt chứng rối loạn thần kinh, bao gồm cả tâm thần phân liệt và các giai đoạn loạn thần.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Phần Lan vừa đưa ra kết quả bất ngờ, rằng ngoài những tác động xấu thì ký sinh trùng Toxoplasma gondii lại có thể khiến cho người nhiễm trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người khác.
Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi Javier Borráz-León, một nhà sinh vật học tại Đại học Turku Phần Lan. Họ cho các tình nguyện viên xem ảnh của những người đã và chưa bị nhiễm Toxoplasma gondii, bao gồm cả nam và nữ. Kết quả là những người bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh được đánh giá là trông "khỏe mạnh và hấp dẫn hơn" so với những người không bị nhiễm ký sinh trùng.
Hình a là ảnh đồ họa tổng hợp người nhiễm Toxoplasma gondii và hình b là người không nhiễm Toxoplasma gondii - Ảnh: SCIENCEALERT
Theo các nhà khoa học, bằng một cách nào đó loài ký sinh trùng này đã điều khiển ngoại hình và tâm lý của "vật chủ", khiến chúng ta có nhu cầu ham muốn tình dục hơn, từ đó làm tăng nguy cơ lây truyền "sự hấp dẫn" này sang người khác.
Trong công bố trên tạp chí khoa học PeerJ, nhóm của Javier Borráz-León cho biết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy một số ký sinh trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như T. gondii, có thể tạo ra những thay đổi về ngoại hình và hành vi của vật chủ là con người. Điều này có thể là tác dụng phụ của nhiễm ký sinh trùng hoặc cũng có thể là cách mà ký sinh trùng 'thao túng' vật chủ, nhằm tăng sự lây lan của nó sang các vật chủ mới".
Nghe thì có vẻ hoang đường, nhưng thực tế, bệnh Toxoplasmosis cấp tính ở người lớn đã được y học ghi nhận là có liên quan đến các triệu chứng tâm thần như hoang tưởng và ảo giác.
Ở chuột, bệnh Toxoplasma cũng có liên quan đến chứng sợ mèo - một thao túng thông minh của ký sinh trùng T. gondii để làm tăng xác suất lây truyền qua đường tiêu hóa của mèo. Một nghiên cứu khác cũng từng cho thấy những con chuột đực bị nhiễm T. gondii được những con chuột cái không nhiễm bệnh ưa thích làm bạn tình hơn.
Đối với nghiên cứu mới này, ngoài việc chụp ảnh để so sánh, các biện pháp khác cũng được thực hiện để xác định sức khỏe tổng thể của họ, bao gồm chỉ số khối cơ thể (BMI), lực cầm nắm của tay, bệnh tật, sự hấp dẫn và số lượng bạn tình.
Ảnh của những người tham gia cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá về độ bất đối xứng dao động trên khuôn mặt - một thước đo để đánh giá mức độ cân xứng của khuôn mặt. Người ta cho rằng sự cân xứng cao của khuôn mặt là một chỉ số của vẻ đẹp và sức khỏe tốt.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đàn ông bị nhiễm bệnh có sự bất đối xứng dao động trên khuôn mặt thấp hơn.
Tương tự, phụ nữ bị nhiễm ký sinh trùng thường có khối lượng và chỉ số khối cơ thể thấp hơn, xu hướng dao động bất đối xứng trên khuôn mặt thấp hơn, sức hấp dẫn cao hơn và số lượng bạn tình nhiều hơn những người không bị nhiễm ký sinh trùng.
Hiện tại, các chuyên gia đưa giả thuyết cho rằng nhiễm T. gondii có thể tạo ra những thay đổi đối xứng trên khuôn mặt của vật chủ thông qua những thay đổi trong hệ thống nội tiết, khiến cho "vật chủ" hấp dẫn hơn.
Giả thuyết này có phần thuyết phục bởi vì ký sinh trùng T. gondii cũng có thể lây truyền qua đường tình dục.
Kết quả nghiên cứu này và phát hiện thú vị này đã đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về "sự thao túng các mầm bệnh và ký sinh trùng lây truyền qua đường tình dục đối với vật chủ là con người".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online