Trong lúc giải trình tự gene biến chủng Omicron, các nhà nghiên cứu của Nference, một hãng phân tích thông tin y sinh học ở Mỹ, đã tìm thấy một đoạn gene cũng xuất hiện trong virus có thể gây cảm lạnh, Washington Post đưa tin ngày 4/12.
Trong một nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học từ Nference cho rằng đột biến này có khả năng đã xảy ra trên vật chủ đồng thời nhiễm SARS-CoV-2 (virus gây bệnh Covid-19) và HCoV-229E (virus corona có thể gây cảm lạnh thông thường).
Đoạn gene chung với HCoV-229E hiện chưa được ghi nhận ở các biến chủng khác của SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu của Nference cho biết. Nghiên cứu này hiện chưa được bình duyệt, tức chưa được các chuyên gia cùng lĩnh vực rà soát, đánh giá nội dung.
Theo ông Venky Soudararajan, một kỹ sư sinh học và đồng tác giả nghiên cứu trên, sự tương đồng “đáng kinh ngạc” giữa Omicron và HCoV-229E có thể đã khiến Omicron trở nên “quen thuộc hơn với cơ thể người” và nhiều khả năng là có thể qua mặt hệ thống miễn dịch tốt hơn.
“Với việc kế thừa đột biến này, Omicron về cơ bản đã học theo phương pháp của các loại virus corona lây theo mùa. Điều này giải thích tại sao Omicron sống và lây nhiễm hiệu quả hơn ở người”, ông Soudararajan nói.
Khi virus tiến hóa để trở nên dễ lây lan hơn, nó thông thường sẽ “đánh mất” những đặc tính gây ra triệu chứng bệnh nghiêm trọng, ông Soudararajan cho biết.
Tuy nhiên, ông Soudararajan cũng lưu ý rằng cần có thêm dữ liệu và phân tích đối với Omicron trước khi thế giới có thể đưa ra nhận định cụ thể. Ông cho rằng sự phân bổ vaccine bất bình đẳng toàn cầu có thể giúp SARS-CoV-2 đột biến nhiều hơn.
Thế giới tới nay vẫn chưa biết nhiều thông tin về Omicron, nhưng các chuyên gia y tế lo ngại số lượng đột biến lớn của biến chủng này có thể khiến nó lây lan nhanh hơn cả Delta.
Đến nay, Omicron đã xuất hiện ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, kể cả những nơi nhanh chóng hạn chế đi lại đối với các nước miền Nam châu Phi - khu vực đầu tiên phát cảnh báo về biến chủng này vào ngày 24/11.
Theo Zing