Ít ai biết rằng, quả đậu bắp nhỏ bé lại có rất nhiều giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã ghi nhận là loại quả này đem đến nhiều lợi ích như ngừa ung thư, đái tháo đường, tim mạch, giúp đẹp da, dưỡng thận…
Hãy cùng tìm hiểu những lợi ích khi ăn quả đậu bắp, sau khi xem xong bài viết này, chắc chắn bạn sẽ thường xuyên đưa món ăn này vào những bữa cơm gia đình hơn đấy!
Lợi ích của quả đậu bắp
Đậu bắp còn có tên là mướp tây, bắp chà. Tên khoa học là Hibiscus esculentus, họ Bông. Quả đậu bắp có hình dạng tương tự như quả mướp nên gọi là mướp tây. Hạt trắng như hạt bắp (ngô) nên gọi là bắp chà. Cây giống đậu nhưng hạt giống bắp nên gọi là đậu bắp.
Trong 100g quả đậu bắp có 660 UI vitamin A (13% nhu cầu hàng ngày), 0,2mg vitamin B1 (10%), vitamin C 21mg (35%), canxi 81mg(l0%), folacin 88mcg (44%), magiê 57mg (16%), thiamin 0,2mg (13%), ngoài ra còn có kali và mangan.
Đậu bắp là loại quả có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)
1.Tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa
Đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. 1/2 chén đậu bắp nấu chín có thể cung cấp khoảng 2g chất xơ, đậu bắp còn tươi nguyên cung cấp nhiều hơn, 1 chén khoảng 3,2g.
Chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng. Khi ăn đậu bắp giúp nuôi dưỡng những vi sinh vật có lợi trong đường ruột, có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ bệnh nhân bị hội chứng ruột kích ứng và các rối loạn hệ tiêu hóa.
Ăn đậu bắp rất tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa (Ảnh: Internet)
Chất nhầy và chất xơ có trong đậu bắp giúp điều chỉnh lượng đường huyết bằng cách điều hòa sự hấp thu của chúng từ ruột non.
Chất xơ của đậu bắp cũng là một “vệ sĩ” của hệ tiêu hóa. Khi vào hệ tiêu hóa đậu bắp sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những vi khuẩn có lợi, có thể sánh ngang tầm với sữa chua, giúp tổng hợp các vitamin nhóm B.
Chất xơ có tác dụng hấp thu nước làm thành khối lớn trong phân, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa táo bón. Đặc biệt, chất nhầy có tác dụng bôi trơn hệ thống ruột, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa cho mẹ bầu.
2.Ngừa ung thư
Một loại protein có nhiều trong đậu bắp, đậu phộng và một vài loại hạt khác là lectin có thể được dùng để chữa ung thư vú. Một khảo sát cho thấy chữa trị bằng lectin có thể tiêu diệt 72% lượng tế bào ung thư và kéo giảm 63% khả năng tăng trưởng của chúng.
Mặt khác, nguy cơ ung thư vú, cổ tử cung, tuyến tụy, phổi và vài dạng ung thư khác tăng cao ở những người không dùng đủ folate nên ăn đậu bắp và một số loại thực phẩm giàu folate góp phần ngăn ngừa ung thư.
3.Có rất nhiều axit folic, đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai
1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với 36,5 mg axit folic. Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8 mg axit folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Những món ăn từ đậu bắp rất tốt cho phụ nữ mang thai (Ảnh: Internet)
4.Tốt cho thận
Với tác dụng lợi tiểu, nếu ăn đậu bắp hàng ngày sẽ giúp cơ thể giải độc thân và giúp bạn giảm cân nhờ đào thải được một lượng nước dư thừa. Đây cũng là một “vũ khí” tuyệt vời mà bạn có thể sử dụng để loại bỏ tình trạng đầy hơi
5.Kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu
Chất nhầy của đậu bắp giữ cholesterol lại trong ruột, giúp cơ thể tái hấp thu nước, hấp thu những phân tử cholesterol vượt chỉ tiêu rồi bài thải theo phân ra ngoài, do đó giảm được cholesterol huyết. Những người cholesterol huyết cao, cao huyết áp, đau thắt ngực và các bệnh tim mạch khác nên ăn đậu bắp, vừa giảm cholesterol lại thông tiểu, rất thuận lợi cho bệnh cao huyết áp.
6.Rất thích hợp cho những ai muốn giảm cân
Đậu bắp có chứa chất xơ giống như mướp nên có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Khi ăn đậu bắp, bạn sẽ giảm được nguy cơ ăn vặt, nhất là ăn vặt vào bữa tối. Đậu bắp cũng chứa rất ít calo, do vậy, bạn sẽ không phải lo đến khả năng ăn quá calo cho phép.
7.Giúp sáng mắt, đẹp da
Đậu bắp có chứa nhiều sinh tố A nên giúp phòng ngừa các căn mệnh về mắt và da, giúp duy trì thị lực tốt cũng như mang lại cho cơ thể một làn da tươi nhuận. Hàm lượng vitamin C cao trong đậu bắp cũng giúp sự phát triển và trẻ hóa tế bào da và collagen.
8.Giúp tóc xanh, bóng mượt
Cắt đậu bắp thành những miếng nhỏ rồi đun sôi và để nguội. Sau đó, trộn nước đậu bắp với nước cốt chanh rồi thoa lên mái tóc như là hỗn hợp dầu gội đầu. Khoảng 20 phút sau thì gội đầu với nước sạch.
9.Giúp giảm các triệu chứng hen suyễn
Trong đậu bắp có hàm lượng vitamin C rất cao mà loại vitamin này có liên quan đến khả năng giảm bớt các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn.
10.Hỗ trợ xương chắc khỏe
Nhờ vitamin K và folate, đậu bắp cũng được coi là cứu tinh trong việc ngăn ngừa mất xương và chống đỡ bệnh loãng xương.
Lưu ý khi sử dụng đậu bắp
– Khi chọn đậu bắp, nên chọn đậu bắp tươi, không quá non và chỉ trữ để dùng trong không quá 3 hoặc 4 ngày. Nên rửa cả trái trước khi thái thành miếng nhỏ để chế biến thức ăn chứ không nên rửa sau khi thái để thành phần dinh dưỡng không bị hao hụt.
– Đậu bắp chứa nhiều fructan – một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi ở những bệnh nhân vốn có vấn đề về đường ruột. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác dễ nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng fructan cao như đậu bắp.
– Đậu bắp cũng có hàm lượng oxalate cao trong khi dạng sỏi thận phổ biến nhất hình thành từ calcium oxalate. Theo Viện Bệnh Đái tháo đường – Tiêu hóa và Thận quốc gia Mỹ, thực phẩm giàu oxalate làm tăng nguy cơ sỏi thận loại này ở những người đã bị trước đó.
– Không uống thuốc liền sau khi ăn đậu bắp, nên uống thuốc sau khi ăn đậu bắp khoảng 2 giờ
– Đậu bắp dễ ăn, có thể xào, luộc hoặc nấu chung để tăng hương vị cho các món canh chua, súp… Để nhận được lợi ích dinh dưỡng tốt nhất từ đậu bắp, khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.
Với rất nhiều những lợi ích tuyệt vời này, chắc chắn đậu bắp sẽ là món ăn thường xuyên xuất hiện trong thực đơn nhà bạn phải không nào?
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống