Ngày 17-3, Quỹ bằng sáng chế thuốc (MPP) cho biết cơ quan này đã ký thỏa thuận với 35 công ty ở 12 quốc gia trên thế giới để sản xuất thuốc trị COVID-19 dạng uống của Hãng dược Pfizer (Mỹ) - thuốc Paxlovid theo phiên bản generic.

1 Sap Co Thuoc Tri Covid 19 Cua Pfizer Gia Re Hon Nhieu So Voi Thuoc Goc

Một hộp thuốc Paxlovid - Ảnh: REUTERS

Phiên bản generic là bản sao thuốc biệt dược, bán rẻ hơn nhiều so với thuốc gốc. Paxlovid được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) để điều trị COVID-19 vào cuối tháng 12 năm ngoái. 

Một tháng trước đó, tháng 11-2021, Pfizer ký thỏa thuận nhượng quyền với MPP.

Việt Nam có trong danh sách 95 quốc gia

Với thỏa thuận vừa được công bố, thuốc Paxlovid sẽ được phân phối tại 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình - chiếm 53% dân số thế giới.

Việt Nam có mặt trong nhóm các quốc gia có công ty được nhượng quyền sản xuất loại thuốc này cùng với Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc...

Thỏa thuận được công bố trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã và đang nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 và tiến tới xem bệnh này là bệnh lưu hành thường xuyên như bệnh cúm mùa. 

Tuy nhiên, không hẳn nhân loại đã vượt qua COVID-19 vì mới chỉ có 14/100 người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, theo dữ liệu của trang Our world in data.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của thuốc điều trị là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm do biến thể Omicron lây lan nhanh đang đe dọa hệ thống y tế của các nước.

Trong số 35 công ty được lựa chọn, 6 công ty sẽ sản xuất dược chất Nirmatrelvir, 9 công ty sẽ sử dụng dược chất này để sản xuất thuốc hoàn chỉnh, 20 công ty còn lại được phép sản xuất cả hai.

Mặc dù các công ty đặt ở 12 quốc gia nhưng không có công ty nào đến từ châu Phi. Đây là một sự thất vọng với các chuyên gia vì điều này cho thấy dường như châu Phi tiếp tục bị bỏ lại phía sau khi châu lục có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thuộc hàng thấp nhất thế giới.

MPP cho biết các công ty tham gia làm đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc Paxlovid đã chứng minh họ đáp ứng được các yêu cầu của MPP về năng lực sản xuất, tuân thủ quy định và các tiêu chuẩn quốc tế về thuốc đảm bảo chất lượng.

Bỏ bản quyền được không?

Pfizer sẽ không nhận được tiền bản quyền từ việc bán thuốc từ những bên được nhượng quyền chừng nào bệnh COVID-19 vẫn được Tổ chức Y tế thế giới phân loại là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Sau giai đoạn đại dịch, thuốc bán ở các nước thu nhập thấp vẫn được miễn phí bản quyền. Các nước ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thu nhập trung bình cao sẽ phải trả 5% tiền bản quyền nếu bán hàng cho khu vực công và 10% tiền bản quyền khi bán hàng cho khu vực tư nhân.

Hiện vẫn chưa rõ thuốc Paxlovid phiên bản generic sẽ được bán với giá bao nhiêu. Ông Charles Gore, giám đốc MPP, nhận định Paxlovid có thể đắt hơn thuốc Molnupiravir vì thành phần Nirmatrelvir phức tạp hơn.

"Tôi không nghĩ nó sẽ vô cùng đắt, sẽ không đến vài trăm USD một liệu trình đâu", ông Gore cho biết.

Trước đó, MPP cũng đã ký thỏa thuận sản xuất thuốc trị COVID-19 dạng uống của Công ty Merck là Molnupiravir phiên bản generic với 27 nhà sản xuất ở 11 quốc gia.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) xem việc MPP ký thỏa thuận với 35 công ty là một bước tiến tích cực để giải quyết những tồn tại trong tiếp cận thuốc trị COVID-19 trên thế giới. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết như thế vẫn chưa đủ.

Cho đến nay, do nguồn cung hạn chế từ Công ty Pfizer, thuốc Paxlovid được đa số các quốc gia có thu nhập cao mua hết. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định các nhà sản xuất thuốc generic sẽ không thể cung ứng thuốc ra thị trường cho đến năm 2023.

Ông Felipe de Carvalho, điều phối viên của chiến dịch Tiếp cận của MSF ở Brazil, cho rằng chỉ có 53% dân số thế giới được hưởng lợi, trong khi hàng triệu người dân ở các nước có thu nhập trung bình khác, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... không mua được Paxlovid giá rẻ là đáng tiếc.

Với trường hợp của Brazil, nước này được sản xuất thuốc Paxlovid nhưng chỉ được để dành cho xuất khẩu mà không được bán cho nhu cầu trong nước.

MSF cho rằng tốt hơn là các nước cần lập tức loại bỏ các rào cản trong cung cấp thuốc trị COVID-19 phiên bản generic. 

MSF đề xuất các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới thông qua "Hiệp định TRIPs và sức khỏe cộng đồng" để miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ với vắc xin COVID-19 mà cho tất cả các phương pháp điều trị cho tất cả các quốc gia.

Uống ra sao?

Thuốc Paxlovid được dùng để điều trị COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình ở người lớn và bệnh nhi từ 12 tuổi trở lên (nặng ít nhất 40kg). Những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng cũng có thể dùng thuốc này.

Paxlovid được dùng kết hợp ba viên (hai viên Nirmatrelvir và một viên Ritonavir), uống cùng nhau hai lần mỗi ngày trong năm ngày, tổng cộng 30 viên. Paxlovid không được sử dụng quá năm ngày liên tục.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC