Từ ngày 1-11 tới, Scotland bắt đầu đưa vào sử dụng loại xét nghiệm máu chẩn đoán tiểu đường type 1 đầu tiên trên thế giới, có thể giúp người bệnh dừng việc tiêm insulin mỗi ngày.

1 Scotland Dung Cach Xet Nghiem Mau Chan Benh Tieu Duong Dau Tien Tren The Gioi

Scotland là nước đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng phương pháp xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1 - Ảnh: HERALD SCOTLAND

Theo báo Herald Scotland, lâu nay việc đo nồng độ peptide C ở người bệnh tiểu đường giúp các bác sĩ biết được cơ thể người này đang sản sinh bao nhiêu insulin, vì lượng insulin và lượng peptide C được sản sinh đồng thời trong cơ thể người bệnh.

Theo đó, nếu lượng peptide C đang ở mức độ đáng kể, các chuyên gia có thể quyết định dừng hoặc giảm việc tiêm insulin điều trị người bệnh tiểu đường.

Scotland là nước đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng phương pháp xét nghiệm máu để đo lượng peptide C kể từ ngày 1-11 tới.

Việc triển khai phương pháp xét nghiệm mới tại các trung tâm y tế và bệnh viện điều trị bệnh nhân tiểu đường được thực hiện sau khi nước này đã có một chương trình thí điểm hai năm phương pháp do giáo sư Mark Strachan chủ trì.

"Thông tin về peptide C giúp các chuyên gia về tiểu đường có được chẩn đoán chính xác hơn về nguyên nhân căn bệnh, và điều đó cũng có thể giúp mọi người có được phương pháp điều trị phù hợp nhất", giáo sư Mark Strachan nói.

"Trong một số trường hợp, xét nghiệm peptide C đã giúp người bệnh có thể dừng luôn liệu pháp điều trị bằng insulin, điều này có thể làm thay đổi cuộc sống của họ", ông tiếp.

Bà Maree Todd, người đứng đầu cơ quan y tế cộng đồng của Scotland, nói: "Bệnh tiểu đường type 1 là một thách thức y tế lớn trên toàn thế giới. Tôi tự hào vì Scotland sẽ là nước đầu tiên đưa vào sử dụng loại xét nghiệm máu có thể sẽ tạo nên tác động tích cực đáng kể với đời sống của những người đang sống chung với căn bệnh này".

Hiện có khoảng 315.000 người dân Scotland bị tiểu đường.

Peptide C là peptide được sinh ra cùng lúc với insulin trong quá trình sinh tổng hợp của tế bào beta đảo tụy. Nhưng khác với insulin, peptide C có thời gian tồn tại lâu hơn, vì thế việc định lượng cũng dễ hơn. Do đó, người ta có thể dựa vào việc đo nồng độ peptide C để biết hàm lượng insulin trong máu, hoặc để đánh giá hoạt động của tế bào beta đảo tụy.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC