Người dân được tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường tại sở thú ở Manila (Philippines) vào hôm 19-1 - Ảnh: Reuters
Hiện nay tỉ lệ tiêm chủng tại nhiều nước Đông Nam Á đang tăng lên nhanh chóng, có nước đã triển khai tiêm mũi 3. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã khiến tình hình dịch bệnh ở khu vực thêm phức tạp.
Omicron lan rộng trong cộng đồng
Hôm 20-1, báo Straits Times đặt câu hỏi: "Làn sóng Omicron đã tấn công Singapore chưa?". Và câu trả lời chính là: "Đã tấn công rồi". Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), giải thích: "Rõ ràng Singapore đã có các ca nhiễm cộng đồng do Omicron gây ra. Điều này có nghĩa là Omicron đã lan trong cộng đồng".
Hôm 20-1, Singapore ghi nhận 1.001 ca nhiễm Omicron mới, gồm 49 ca nhập cảnh và 952 ca trong cộng đồng. Trước đó một ngày, có 1.185 ca nhiễm Omicron mới. Bộ Y tế Singapore dự báo nước này có thể sẽ ghi nhận 10.000 - 15.000 ca bệnh COVID-19 mỗi ngày.
Tại Thái Lan, toàn bộ 77 tỉnh đã ghi nhận ca nhiễm Omicron và đến nay nước này có hơn 10.700 ca Omicron. Ngày 21-1, cục trưởng Cục Khoa học y tế Supakit Sirilak cho biết từ hôm 11 đến 17-1, Omicron đã được phát hiện ở 97% người nhập cảnh được lấy mẫu xét nghiệm và 80% ca nhiễm trong cộng đồng.
"Vào cuối tháng 1-2022, Omicron sẽ chiếm 97-98% ca nhiễm cộng đồng ở Thái Lan, còn biến thể Delta cuối cùng sẽ biến mất", tiến sĩ Supakit dự báo.
Tình hình COVID-19 cũng đang căng thẳng tại Philippines - quốc gia ghi nhận trung bình hơn 30.000 ca COVID-19 mới/ngày trong những ngày qua. Trong khi đó, Campuchia đã phát hiện tổng cộng gần 500 ca Omicron, còn Indonesia đã ghi nhận ít nhất 840 ca Omicron...
Khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm ngoái, chính phủ các nước Đông Nam Á đã quay trở lại áp dụng chiến lược cũ: tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới. Chẳng hạn, Philippines đã cấm nhập cảnh với công dân đến từ các nước có ca Omicron trong cộng đồng, hay Thái Lan kết thúc chương trình cho du khách nhập cảnh miễn cách ly. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kiểm soát nghiêm ngặt biên giới đã không ngăn được biến thể Omicron xâm nhập.
Nguồn: Reuters - Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT
Không thể đóng cửa như trước
Theo tạp chí Time, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu việc tiếp tục đóng cửa với du khách, du học sinh, doanh nhân nước ngoài... có phải là chiến lược hiệu quả để đối phó COVID-19 trong năm thứ ba của đại dịch hay không.
"Việc đóng cửa biên giới có rất ít tác động trong việc ngăn biến thể Omicron xâm nhập vào các nước", giáo sư Ooi Eng Eong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá. Ông nhận định biến thể Omicron rất dễ lây lan và "thật sự có rất ít cách chúng ta có thể làm để ngăn chặn nó, ngoại trừ tiêm chủng cho người dân".
Hiện nay Thái Lan đã cho thấy họ sẵn sàng sống chung với Omicron. Vừa qua, nước này thông báo sẽ khởi động lại chương trình miễn cách ly với du khách nước ngoài đã được tiêm đủ liều từ ngày 1-2 tới trong bối cảnh nước này tìm cách hồi sinh ngành du lịch béo bở. Chương trình này có tên "Xét nghiệm và đi", từng bị tạm ngưng vào tháng 12-2021 do lo ngại về biến thể Omicron.
"Chúng tôi sẽ phải sống chung với Omicron. Nếu biến thể này không quá nghiêm trọng thì sẽ dễ xử lý hơn. Xin hãy tiêm mũi vắc xin thứ 3 vì điều đó sẽ giúp giảm sự lây lan của Omicron cũng như số ca nghiêm trọng và tử vong", cục trưởng Cục Khoa học y tế Thái Lan Supakit Sirilak cho biết.
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen và Bộ Y tế nước này đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Nước này cũng đã bắt đầu tiêm mũi vắc xin thứ 4 cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh. Theo báo Khmer Times, bất chấp mối đe dọa từ Omicron, Campuchia vẫn đang thúc đẩy mở cửa trở lại.
Để giảm thiểu rủi ro do biến thể Omicron, Bộ Y tế Philippines đã rút ngắn khoảng thời gian tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia yêu cầu người dân xứ sở vạn đảo giảm thiểu di chuyển, tránh đám đông, làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể và cảnh giác với Omicron.
Tại Singapore, Bộ trưởng Giao thông vận tải S. Iswaran cho biết đảo quốc sư tử cam kết mở lại dần biên giới và thiết lập thêm các thỏa thuận đi lại miễn cách ly. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nhận định không thể cứ đóng cửa biên giới vì điều đó sẽ gây nhiều hậu quả, đồng thời kêu gọi người dân tiêm vắc xin. Đến nay, khoảng 88% dân số Singapore đã tiêm đủ liều.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online