Đôi khi những lỗ hổng, khe cửa… trong nhà lại vô tình gây nguy hiểm cho trẻ, xem xong phụ huynh nhớ để ý trẻ hơn nhé!

Vậy nên việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở trong nhà hết sức cần thiết. Một số giải pháp dưới đây sẽ giúp mẹ bảo vệ trẻ tốt hơn.

Trong gia đình, những khe cửa ra vào, cửa cổng… sẽ là sự đe dọa, mối nguy hiểm cho trẻ mà chúng ta không để ý tới. Đối với trẻ, khung cảnh  bên ngoài cửa sổ, ban công và ngoài chiếc nôi luôn kích thích trí tò mò và sự khám phá của trẻ.

Do vậy, bạn nên:

Sử dụng chốt cài cửa để trẻ không tự ý đóng, mở cửa và cũng ngăn cửa không tự động sập lại do gió lớn trong khi tay trẻ đang vô tình ở giữa khe cửa.

Đối với một số cửa có bộ phận tự đóng, cần cẩn trọng để không rơi vào trường hợp cửa tự động đóng trong khi bạn đang ở bên ngoài và trẻ thì ở trong nhà. Điều này trở nên rất tồi tệ nếu như bạn đang nấu đồ ăn ở trong bếp.

Sở thích chui, leo trèo của trẻ thật nguy hiểm nhưng phụ huynh đều lơ là ít để ý - 0

Nói để trẻ hiểu nguy cơ tai nạn do bị kẹp tay vào cửa. Tập cho trẻ thói quen không chơi trò chơi đóng mở cửa.

Nếu sử dụng cửa cuốn tự động, cần đảm bảo rằng bạn quan sát trong suốt quá trình cửa cuốn vận hành. Tốt hơn hết là sử dụng loại cửa cuốn không tự động, tức là bạn phải liên tục giữ nút ấn hạ cửa trong suốt quá trình vận hành.

Các cửa ngăn kéo tủ cũng có thể gây tai nạn cho tay của trẻ. Bạn nên dán băng keo để phòng trường hợp trẻ tự ý mở cửa ngăn kéo tủ và đóng lại có thể gây kẹp tay.

Nếu nhà bạn có ôtô, trẻ từ 3 đến 5 tuổi thường rất thích được tự mình vào xe mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ. Bạn phải chắc chắn trẻ đã hoàn toàn ngồi trong xe và kiểm tra các cạnh của cửa xe để đảm bảo trẻ không còn bám tay vào cạnh cửa rồi mới đóng cửa ôtô.

Làm khung, hàng rào chắn phù hợp cho tất cả cửa sổ, ban công.

Không để các loại ghế, kệ, thùng gần cửa sổ hoặc ban công vì trẻ có thể đẩy các vật dụng này gần cửa sổ hoặc ban công để leo và trèo ra bên ngoài.

Đóng các cửa sổ hoặc cửa ra ban công khi bạn đang làm việc nhà và trẻ chơi trong nhà.

Không nên bế trẻ nhỏ lại sát ban công hoặc cửa sổ. Điều này kích thích trẻ tò mò hoặc muốn khám phá và trẻ sẽ cố gắng lại gần những khu vực này khi không có người lớn bên cạnh.

Chú ý kê sát nôi của trẻ vào tường không để khoảng trống trẻ có thể trèo ra bị kẹt ở đó

Khe cửa thường bị rất nhiều bậc phụ huynh bỏ quên (kể cả những bậc cha mẹ cẩn thận nhất), vì trẻ hay bị kẹt tay vào khe cửa nên cần phải chuẩn bị các lớp chắn bằng đệm để đề phòng bé nghịch ngợm bị tai nạn đáng tiếc bạn nhé! Tốt nhất cha mẹ hãy kiểm tra độ an toàn của cánh cửa thường xuyên; không nên cho con bám vào cánh cổng để chơi.

Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho trẻ trong chính ngôi nhà của mình, bố mẹ cần để ý đến những vấn đề sau:

Điện và các thiết bị điện

Sở thích chui, leo trèo của trẻ thật nguy hiểm nhưng phụ huynh đều lơ là ít để ý - 1

Mối nguy hiểm thứ hai đứng sau ban công và cửa sổ là điện và các thiết bị điện. Bạn cần biết rằng các ổ cắm điện và các thiết bị điện đặc biệt có “sức hút” đối với trẻ nhỏ. Bạn cần:

Che chắn các ổ cắm điện bằng miếng nhựa hoặc băng keo, đặc biệt là ổ cắm điện cho thiết bị cạo râu trong toilet.

Không để các vật kim loại như thanh sắt, tuốc-nơ-vít, bút chì… trong tầm với của trẻ và ở gần khu vực ổ cắm điện.

Cuộn gọn lại dây điện của các thiết bị điện sau khi sử dụng (quạt, bàn ủi…).

Để bàn ủi sau sử dụng còn nóng xa tầm với của trẻ.

Dây ổ cắm cần để cao gọn gàng, xa tầm tay của trẻ.

Nước và nước nóng

Trơn trượt và té ngã tại gia đình luôn là tai nạn sinh hoạt có thể gây chấn thương nghiêm trọng, thậm chí chết người. Nguy cơ này có thể giảm thiểu nếu bạn đảm bảo rằng:

Canh chừng trẻ khi bé đi vệ sinh hoặc tắm rửa. Mặt sàn toilet hoặc bồn tắm luôn rất trơn trượt, đặc biệt nguy hiểm khi bạn sử dụng sữa tắm, xà phòng và nước. Đừng bao giờ cho phép trẻ tự trèo vào hoặc ra khỏi bồn tắm.

Nước nóng từ vòi sen có thể gây bỏng. Trẻ tỏ ra rất thích thú với việc điều khiển các vòi xả nước trong toilet. Tai nạn bỏng có thể xảy ra nếu trẻ mở chế độ nước nóng và không biết cách tắt hoặc chuyển sang chế độ nước lạnh.

Đồ ăn nóng đang nấu trên bếp. Bạn nên tập cho trẻ thói quen không đi vào khu vực bếp. Đồ ăn nóng trên bàn ăn cũng là những thứ vô cùng nguy hiểm đối với trẻ. Có rất nhiều tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ do đồ ăn nóng vào thời điểm cha mẹ chuẩn bị bữa ăn.

Bình nước uống nóng lạnh ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình. Sự tiện lợi của bình nước nóng lạnh là không thể phủ nhận nhưng những nguy hiểm do bình nước nóng lạnh là điều bạn cần lưu ý. Hãy mua loại bình nước nóng lạnh có khóa van nước nóng.

Trẻ có nguy cơ trượt té và tự gây tai nạn do việc đi lại hoặc chạy nhảy trên sàn nhà trơn do có nước. Hãy lau sàn nhà bằng khăn khô ngay sau khăn ướt hoặc mở quạt để mặt sàn khô nhanh hơn.

Bếp và các thiết bị hoặc vật dụng sắc, nhọn

Trong gia đình, căn bếp là hình ảnh tượng trưng cho sự ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên, bếp lại không phải là một nơi thích hợp cho trẻ nhỏ. Có quá nhiều những hiểm nguy tiềm ẩn trong căn bếp nhà bạn. Do vậy bạn cần:

Luôn ưu tiên sử dụng bếp nấu xa tầm với của trẻ, nếu có thể, hãy lắp đặt tấm bảo vệ cho bếp nấu.

Luôn để các cán tay cầm của vật dụng nấu bếp, đặc biệt khi đang nấu vào phía bên trong. Đừng bao giờ để cán tay cầm của nồi, chảo nóng ra phía ngoài nơi trẻ có thể với và kéo đổ chúng.

Không bao giờ để dao, kéo trong tầm với của trẻ. Sử dụng giá treo dao, kéo và tránh để dao, kéo chung với các đồ vật khác trong các ngăn kéo tủ đựng đồ.

Không bao giờ mang nồi canh hoặc thức ăn nóng trực tiếp từ bếp ra bàn ăn. Luôn nhớ sử dụng các đồ đựng như tô, chén khi cần làm điều này.

Trẻ nhỏ thường chơi cạnh bạn khi bạn đang nấu bếp. Đây là một hành vi tai hại. Tốt nhất bạn nên tập cho trẻ thói quen không đi vào khu vực bếp.

Sở thích chui, leo trèo của trẻ thật nguy hiểm nhưng phụ huynh đều lơ là ít để ý - 2

Những vật dụng ở bếp cũng rất nguy hiểm đối với trẻ.

Các loại dị vật

Một trong những “sát thủ” hàng đầu gây tử vong cho trẻ nhỏ là dị vật có khả năng gây tắc nghẽn đường thở. Dị vật có thể là các loại hạt như hạt điều, đậu phộng; hoặc các loại trái cây trơn như nhãn, chôm chôm, vải hay các loại kẹo cứng và trơn, các vật dụng khác như nắp chai nước, mảnh lắp ghép đồ chơi… Để ngăn ngừa và xử lý tai nạn do hóc dị vật gây tắc nghẽn đường thở, bạn nên dành thời gian tham dự khóa huấn luyện “Sơ cấp cứu căn bản dành cho mọi người” để học cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật.

Để đảm bảo an toàn cho con khi ở nhà, đặc biệt khi trẻ đang ở độ tuổi 3-5, cần ghi nhớ nguyên tắc “5 Không” dưới đây:

Không bao giờ để trẻ ở nhà một mình dù chỉ là trong giây lát nếu bạn không muốn phải hối hận.

Không bao giờ cho rằng trẻ sẽ nghe lời bạn và không nghịch hoặc không làm điều gì đó nguy hiểm. Đây là lứa tuổi của sự tò mò và ưa thích khám phá, trẻ sẽ làm tất cả mọi thứ nhằm thỏa mãn những điều này.

Không bao giờ phớt lờ hoặc bỏ qua bất kỳ điều gì trong ngôi nhà mà bạn nghĩ hoặc cảm thấy có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Hãy lắng nghe tiếng nói từ trái tim của bạn về những điều nguy hiểm có thể gây hại cho con.

Không bao giờ cho phép sự chậm trễ nếu bạn có thể làm điều gì đó để ngăn ngừa tai nạn hoặc sự cố có thể xảy ra cho trẻ.

 

Nguồn: Tâm Giao

Dkn.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC