Theo báo cáo Sức khỏe năm 2010, nấm mốc và các loại vi khuẩn hoạt động mạnh nhất trong tủ lạnh và tại các khớp silicon trong vòi hoa sen, bồn rửa. Điều đó cũng có nghĩa là nếu tủ lạnh không được vệ sinh tốt, thức ăn được bảo quản trong đó sẽ trở nên rất nguy hiểm vì bị nhiễm khuẩn.
Một cuộc nghiên cứu của Hội đồng Vệ sinh (Hygiene Counsil) - một sáng kiến quy mô toàn cầu của các chuyên gia sức khỏe đã thực hiện khảo sát 180 hộ gia đình tại 5 quốc gia Đức, Anh, Mỹ, Canada, Nam Phi, Ả-Rập-xê-ut, Malaysia, Úc và Ấn Độ. Trong tất cả các gia đình được chọn đều có ít nhất 2 con dưới 10 tuổi.
Kết quả cuộc khảo sát được tóm lược như sau:
1. Có tới 2/3 các khớp nối silicon (chiếm 70%) trong các phòng tắm được xác định bị nhiễm vi khuẩn nặng. Nhà virus học, GS. John Oford tại Bệnh viện Hoàng gia Luân Đôn kiêm chủ tịch Hygiene Counsil cho biết: "Những khớp nối silicon trong phòng tắm luôn được xếp vào khu vực bị nhiễm khuẩn nặng nhất, mặc dù thoạt nhìn, chúng có vẻ rất sạch sẽ." Tình trạng này có thể gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏecon người từ viêm nấm,các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, cho đến dị ứng.
2. Khu vực vi khuẩn thường tập trung nhiều thứ 2 chính là những chiếc tủ lạnh. Có tới 46% trường hợp tủ lạnh bị nhiễm khuẩn nặng, 44% bị nấm mốc. Ngay từ năm 2007, các nhà khoa học Mỹ tại Đh Arizona đã công bố về tình trạng nhiễm bẩn trong các tủ lạnh:: Tại đây, có tới 11,4 triệu vi trùng trên mỗi mét vuông - nhiều gấp nhiều lần so với một số nơi trong nhà vệ sinh.
Lý do khiến tủ lạnh bị nhiễm khuẩn nặng nằm ở chỗ: Nhiệt độ được đặt ở mức quá cao (trên 8 độ) là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt ở những nơi nước ngưng tụ. Thêm vào đó, chúng ta lại rất ít khi chịu làm vệ sinh tủ lạnh hoặc làm không đúng cách (85% số người được hỏi cho biết họ chỉ lau chùi tủ lạnh một lần mỗi tháng!). Tình trạng này có thể gây nên các bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng.
3. Đứng ở vị trí thứ 3 về mức độ nhiễm khuẩn là những chiếc khăn lau bát. Có tới 36% khăn rửa bát được khảo sát cho thấy kết quả bị nhiễm khuẩn nặng. Nguyên nhân là do chúng rất ít khi được thay mới hoặc giặt không sạch.
Vậy để giữ cho một không gian sống lành mạnh, hợp vệ sinh, bạn nên làm gì?
- Thường xuyên xả đá và lau chùi tủ lạnh (có thể lau với nước giấm), đặc biệt là ở những khe đọng lại nước. Nếu sau khi lau chùi, vẫn còn xuất hiện mùi khó chịu, bạn nên sử dụng tới nước cốt chanh hoặc một chút bột cà phê. Bạn cũng cần chú ý tới việc đặt nhiệt độ: không quá 8 độ C.
- Đối với bàn chải rửa bát đĩa, giẻ lau sàn và bọt biển, nếu bạn không muốn thay chúng mỗi ngày, hãy đặt chúng vào lò vi sóng trong 2 phút, sau đó giặt sạch lại bình thường. Ngoài ra, bạn nên giặt khăn lau bát đĩa 3 ngày một lần ở nhiệt độ ít nhất là 60 độ C. Đồng thời, không nên dùng khăn này để lau khô tay.
- Đối với các thực phẩm như cá, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa, bạn nên chú ý tới hạn sử dụng. Không nên để những thực phẩm này quá 2 tiếng ở nhiệt độ thường bên ngoài - hãy chế biến chúng, hoặc bảo quản khô, hoặc lạnh.
Hương Vũ - ©tintucvietduc.de