Trong thời đại kỹ thuật số phát triển, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, kỹ thuật số đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều gia đình, và câu hỏi đặt ra là: thời lượng tối đa nên ở mức nào?
Ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ em lại là một mối thách thức khác nhau đối với các bậc phụ huynh:
3 tuổi bé khóc lóc đòi iPad cho bằng được, 7 tuổi bé dành cả buổi tối chỉ để xem YouTube, bé 9 tuổi đòi phải có điện thoại riêng, bé 11 tuổi lén chơi game người lớn vì… bạn bè xung quanh đều vậy.
Nhiều năm qua, những lời khuyên phổ biến nhất cho phụ huynh là nên giới hạn thời gian trẻ dùng thiết bị trong hai giờ đồng hồ, nếu quá hạn mức này thì dễ mang lại tác động tiêu cực.
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã kiến nghị khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ là phù hợp với trẻ dưới 6 tuổi trong khi các nội dung bé tiếp xúc nên được chuẩn bị phù hợp và cẩn thận.
Tuy nhiên, sau đó họ chỉ đơn giản khuyến khích phụ huynh đặt ra giới hạn thời gian nhất quán cho trẻ sử dụng điện thoại và chỉ định ngoài khoảng thời gian đó thì trẻ nên giao tiếp với gia đình.
Hiện vẫn có nghi vấn cho trẻ dùng iPad 3 lần trong ngày với 20 phút mỗi lần sẽ tốt hơn dùng 1 giờ liên tục? Cho bé 18 tháng tuổi xem hoạt hình trước bữa tối thì đã hợp lý chưa?
Nhiều bậc phụ huynh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc giới hạn thời gian không quan trọng bằng nội dung hay cách mà trẻ sử dụng thiết bị công nghệ.
Trẻ em nên cùng cha mẹ giải trí bằng thiết bị điện tử. Ảnh: Onoky/Photononstop/Alamy/Alamy
Jocelyn Brewer, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu nội dung số, cho biết những thứ chúng ta xem hàng ngày cũng tương tự như thức ăn: thay vì đếm xem bạn tiêu thụ bao nhiêu calorie (thời gian nhìn vào màn hình), hãy nghĩ về món ăn bạn dùng (bạn xem gì).
Bà Brewer còn cho hay: "Chúng ta đều biết sử dụng thiết bị điện tử để làm sao lãng hay khuyến khích trẻ làm gì đó để sáng tạo. Điều này vô tính tạo ra mối liên kết giữa sử dụng thiết bị và cảm xúc của chúng - vậy nên chúng ta nên tránh làm điều đó bởi điều này không khác gì dùng kẹo hay bánh để trẻ chịu uống thuốc hay học bài, dễ dẫn đến sự lệ thuộc tiêu cực về sau."
Với trẻ em, điều quan trọng nhất là dành thời gian cùng cha mẹ chơi game, xem phim hoặc lướt web.
Cuối năm ngoái, Học việc Internet Oxford và Đại học Cardiff đã công bố một nghiên cứu, dựa trên 20 ngàn phụ huynh rằng không hề có mối liên hệ nào giữa việc giới hạn thời gian trẻ dùng các thiết bị điện tử và lợi ích của trẻ. Cách cha mẹ đặt ra quy định và mức độ tích cực của họ khi cùng trẻ sử dụng thiết bị quan trọng hơn so với việc chỉ đơn giản cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị số.
Internet và game giúp trẻ tương tác, vui vẻ và giúp kích thích khả năng sáng tạo. Ảnh: Iain Masterton/Alamy
Một nghiên cứu khác từ Đại học Michigan dựa trên trẻ từ 4 đến 11 tuổi công bố rằng “cách trẻ dùng các thiết bị số mới quan trọng chứ không phải thời gian chúng dùng.” Nhưng nghiên cứu cũng cho hay yếu tố thời gian có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi cư xử không tốt; mất hứng thú trong hoạt động khác, gia đình hoặc xã hội; dễ bỏ cuộc, hoặc lừa dối.
Mặc dù hầu hết nghiên cứu đồng ý với việc đặt giới hạn thời gian đã là suy nghĩ lỗi thời, tuy nhiên vẫn phải thừa nhận lạm dụng thiết bị điện tử quá mức sẽ gây ra tác động tiêu cực như ảnh hưởng tới giấc ngủ, sức khỏe và tâm trạng.
Nói về trẻ em và công nghệ, người ta thường thường liên tưởng đến các viễn cảnh tiêu cực, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Internet và game mang đến cho trẻ em niềm vui, cơ hội tương tác với người khác cũng như rèn luyện khả năng sáng tạo.
Suy cho cùng, thời gian sử dụng các thiết bị số không hẳn gây hại và cách chúng ta giới hạn thời gian còn tùy thuộc vào hành vi và tính cách của mỗi trẻ.
Phụ huynh không nên lo lắng về thời gian trẻ em dán mắt vào màn hình. Thay vào đó, cha mẹ nên đảm bảo trẻ tiếp xúc với nội dung chất lượng, phù hợp với lứa tuổi và an toàn.
Bà Brewer kết luận:
"Điều quan trọng là cân bằng giữa thời gian lên mạng và thực tế, giữa giải trí và học tập. Trẻ em ở độ tuổi khác nhau cần sự cân bằng khác nhau nên rất khó để đưa ra chuẩn chung. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng trẻ em sẽ thiệt thòi nếu như bị ngăn cản tiếp xúc với công nghệ - mấu chốt nằm ở việc chọn ra khoảng thời gian hợp lý và cách tiếp cận phù hợp."
Nguồn: Báo Tuổi trẻ